(1 Cr 4:1-5; Lc 5:33-39)
Chúng ta muốn thiên hạ coi chúng ta như thế nào? Là những người làm ăn thành công, những người khôn ngoan vui tính, những người giàu có, v.v.? Thánh Phaolô trong bài đọc 1 hôm nay cho biết ngài muốn thiên hạ coi ngài là gì: “Thưa anh em, chớ gì thiên hạ coi chúng tôi như những đầy tớ của Đức Kitô, những người quản lý các mầu nhiệm của Thiên Chúa” (1 Cr 4:1). Tiếp theo, thánh nhân chỉ ra đâu là đặc tính cần thiết của người đầy tớ của Đức Kitô: “Mà người ta chỉ đòi hỏi ở người quản lý một điều, là phải chứng tỏ lòng trung thành” (1 Cr 4:2). Người trung thành là người không để cho bất kỳ điều gì chi phối tâm trí và con tim mình để rồi thất tín. Thánh Phaolô cho biết: “Đối với tôi, dù có bị anh em hay toà đời xét xử, tôi cũng chẳng coi là gì. Mà tôi, tôi cũng chẳng tự xét xử lấy mình. Quả thật, tôi không thấy lương tâm áy náy điều gì, nhưng đâu phải vì thế mà tôi đã được kể là người công chính. Đấng xét xử tôi chính là Chúa” (1 Cr 4:3-4). Những lời này thức tỉnh chúng ta về lối sống chỉ sợ người khác xét xử mà không sợ Thiên Chúa xét xử. Bên cạnh đó, thánh nhân cũng nhắc nhở chúng ta về việc không được xét xử người khác trước khi mọi sự chưa đến thời kết thúc: “Vậy xin anh em đừng vội xét xử điều gì trước kỳ hạn, trước ngày Chúa đến. Chính Người sẽ đưa ra ánh sáng những gì ẩn khuất trong bóng tối, và phơi bày những ý định trong thâm tâm con người. Bấy giờ, mỗi người sẽ được Thiên Chúa khen thưởng đích đáng” (1 Cr 4:5). Trong khi chờ đợi ngày Chúa đến, chúng ta cần sống với thái độ yêu thương, cảm thông và tha thứ.
Tin Mừng hôm nay nói cho chúng ta biết Chúa Giêsu là chàng rể và là người cung cấp rượu mới. Một cách cụ thể, đoạn trích này cung cấp thêm nền tảng mang tính Kitô học cho việc Chúa Giêsu tha tội (x. Lc 5:17-26; 5:27-32) và quyền năng của Ngài trên ngày sabát (x. Lc 6:1-5; 6:6-11). Câu hỏi dẫn đến việc Chúa Giêsu ám chỉ mình là chàng rể là việc ăn chay cầu nguyện (x. Lc 5:33). Đối với người Do Thái, đây là hai việc thực hành đạo đức quan trọng để nối kết với Thiên Chúa. Trong vấn nạn những người Pharisêu và các kinh sư đưa ra, chúng ta thấy có sự khác biệt giữa các môn đệ của Chúa Giêsu so với các môn đệ của người Pharisêu và của Gioan [“Môn đệ ông Gioan năng ăn chay cầu nguyện, môn đệ người Pharisêu cũng thế, còn môn đệ ông thì ăn với uống!”]. Chi tiết này cho thấy, những người theo Chúa Giêsu thực hành việc đạo đức khác với những người khác. Nói cụ thể hơn, cách thức tương quan của họ với Thiên Chúa rất khác: vui tươi như đang dự tiệc cưới. Là môn đệ của Chúa Giêsu, nhiều lần chúng ta sống và hành động như những người khác: cũng lừa dối, tranh giành, ghen ghét, giận hờn, hận thù, v.v. Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta phải trở nên khác trong tương quan với Thiên Chúa và anh chị em mình. Chúng ta phải sống yêu thương hơn và vui hơn vì chúng ta thuộc về Chúa.
Trong câu trả lời của mình, Chúa Giêsu sử dụng hình ảnh “tiệc cưới” và “chàng rể.” Đây là những hình ảnh được các ngôn sứ dùng để nói đến bàn tiệc được Đấng Cứu Độ chuẩn bị. Trong Cựu Ước và Do Thái Giáo, hình ảnh này được sử dụng để trình bày sự hiệp nhất giữa Thiên Chúa và dân Ngài (x. Hos 2:18,21; Ez 16; Is 54:5-8; 62:5; Gr 2:2). Những hình ảnh đi theo tiệc cưới là niềm vui, bắt đầu một cuộc sống mới, tình yêu và quan tâm cho nhau cách sâu đậm, và trung thành. Khi sử dụng hình ảnh này để nói về mình, Chúa Giêsu ám chỉ đến việc trong Ngài, Thiên Chúa hiệp nhất với dân Ngài. Vì vậy, những ai đi theo Ngài, họ sẽ tận hưởng tất cả những điều vừa được nêu trên. Điều này cũng đúng cho mỗi người chúng ta. Khi theo Chúa Giêsu, chúng ta sẽ tận hưởng được niềm vui, một đời sống mới, được Thiên Chúa yêu thương và quan tâm cách đặc biệt, và sẽ cảm nghiệm được tình yêu trung thành của Ngài. Nhưng thực tế mà nói, nhiều người trong chúng ta không cảm nhận được điều này, nên cuộc sống của chúng ta vẫn ở lại trong hình thức cũ.
Để chứng minh khẳng định của mình, Chúa Giêsu sử dụng hai “dụ ngôn nhỏ” hay hai hình ảnh thường ngày, đó là hình ảnh áo vá và bầu rượu (x. Lc 5:36-38). Trong hai hình ảnh này, Chúa Giêsu khẳng định cái mới và cái cũ không ăn khớp với nhau. Nói cách cụ thể, sứ điệp Ngài mang đến [mới] không thể được đón nhận và hiểu biết với cách sống cũ. Để hiểu và đón nhận sứ điệp của Ngài, chúng ta phải “sám hối” [metanoia], phải trở nên con người mới trong Đức Kitô: “Rượu mới thì phải đổ vào bầu mới” (Lc 5:38). Hình ảnh rượu mới là sứ điệp của Chúa Giêsu. Nó ám chỉ đến việc trong Chúa Giêsu, Thiên Chúa đã làm một điều gì đó thật mới mẻ. Hình ảnh này gợi trong trí tưởng tượng chúng ta một cuộc sống vượt qua sự chết. Đây là một cuộc sống tràn đầy niềm vui vì con tim của chúng ta được đổ đầy với tình yêu của Thiên Chúa. Con tim chúng ta đang được đổ đầy với điều gì: tình yêu hay sự hận thù, oán ghét?
Lm, Antôn Nguyễn Ngọc Dũng, SDB