(Hr 4:1-5.11; Mc 2:1-12)
Chắc chắn ai trong chúng ta cũng đã một lần trong đời thất vọng về thái độ sống hoặc việc làm của mình hoặc của người khác. Thái độ thất vọng dễ dàng dẫn đến cái nhìn tiêu cực về chính mình và người khác. Xét tận căn, nguồn gốc của thất vọng là kiêu ngạo và tự ti. Trong bài đọc 1 hôm nay, tác giả thư gởi Hípri cho biết nguồn gốc của thất vọng là thiếu đức tin. Đức tin chính là đề tài chính của lời Chúa ngày hôm nay. Trong bài đọc 1, đức tin là điều kiện cần để đưa chúng ta vào chốn yên nghỉ Chúa đã hứa; còn trong bài Tin Mừng, đức tin là điều kiện để người bại liệt được chữa lành: “Thấy họ có lòng tin như vậy” (Mc 2:5). Nếu không có đức tin, thì lời hứa của Thiên Chúa trở nên vô nghĩa, vì người không có hoặc thiếu đức tin dễ dàng thất vọng không chỉ với mình, với người khác mà còn với Thiên Chúa khi Ngài không trả lời ‘theo kiểu ăn liền’ như con người mong muốn. Thật vậy, chỉ những người có đức tin mới sở hữu niềm hy vọng bất diệt vào một tương lai tốt đẹp nhất mà Thiên Chúa đã hứa cho chúng ta.
Điểm thứ hai mà bài đọc 1 hôm nay đề nghị cho chúng ta là suy nghĩ về mục đích của cuộc đời. Mục đích của cuộc đời là được nghỉ ngơi! Nhiều người làm suốt đời với mong ước có những ngày cuối đời được an nhàn thư thái hưởng tuổi già như ông phú hộ trong Tin Mừng: “hồn ta hỡi, mình bây giờ ê hề của cải, dư xài nhiều năm. Thôi, cứ nghỉ ngơi, cứ ăn uống vui chơi cho đã!” (Lc 12:19). Tác giả thư gởi Do Thái khuyến khích chúng ta: “Vậy, chúng ta hãy cố gắng vào chốn yên nghỉ này, kẻo có ai cũng theo gương bất tuân đó mà sa ngã” (Hr 4:11). Tìm được nơi nghỉ ngơi sau mệt nhọc là điều ai cũng mong ước. Trong đời sống thường ngày, sau một ngày làm việc hoặc học hành, nhiều người tìm một nơi thánh vắng ở một khu nghỉ mát để nghỉ ngơi, có người nghỉ ngơi bên cái tivi sau ngày làm việc, có người nghỉ ngơi bên gia đình, có người nghĩ ngơi bên người yêu. Có ai trong chúng ta muốn đến nghỉ ngơi bên Chúa không?
Bài đọc 1 cũng cảnh báo cho chúng ta về thực tế của cuộc sống khi nghe lời Chúa: “Quả thế, chúng ta đã được nghe loan báo Tin Mừng như những người kia. Nhưng lời họ đã nghe không sinh ích gì cho họ, bởi vì những kẻ đã nghe không lấy đức tin đáp lại lời giảng” (Hr 4:2). Chúng ta thường làm cho lời Chúa chúng ta nghe mỗi ngày trở nên vô hiệu trong cuộc sống của chúng ta. Hãy để lời Chúa biến đổi chúng ta và làm cho chúng ta sinh nhiều hoa trái ngọt ngào, chứ không sinh những hoa trái chua chát ngay hôm nay!
Lời Thánh Vịnh hôm nay nhắc chúng ta đừng lãng quên những việc Thiên Chúa làm. Trong cuộc sống của chúng ta, chúng ta đã chứng kiến thật nhiều “phép lạ” Chúa đã thực hiện trên chúng ta hoặc cho những người thân yêu của chúng ta, và chúng ta cũng thốt lên như những người chứng kiến phép lạ trong Tin Mừng hôm nay rằng: “Chúng ta chưa thấy vậy bao giờ” (Mc 2:12). Nhưng rồi, chúng ta dễ dàng quên những gì Chúa đã làm cho chúng ta. Chúng ta như dân Do Thái xưa, nhanh chóng quên việc vĩ đại Chúa đã thực hiện cho họ và họ chạy theo những ngẫu tượng khác. Chúng ta cũng dễ dàng chạy theo những “ngẫu tượng hiện đại” – tiền bạc, danh vọng, chức vụ, tiện nghi. Khi chúng ta quên những việc Chúa làm cho chúng ta là khi chúng ta sẽ bắt đầu đi xa Ngài và trở nên tự đủ và tự làm Chúa của cuộc đời của mình và của người khác.
Hôm qua, Thánh Máccô tường thuật về phép lạ chữa người phong cùi, hôm nay chúng ta lại chứng kiến một phép lạ khác, đó chính lá chữa người bại liệt. Phong cùi là bệnh ngăn cách chúng ta đến với Chúa và với nhau. Như vậy, một cách nào đó nó gần giống với căn bệnh bại liệt. Chỉ khác ở chỗ là: Có thể đi đến mà không thể đến, và không thể đi đến nên không thể đến. Điểm khác biệt thứ hai đó là người mắc bệnh phong cùi không thể đến với ai và không ai có thể đến với mình, còn bệnh bại liệt thì mình không thể đến với người khác, nhưng người khác có thể đến với mình. Nhìn từ khía cạnh này thì hai căn bệnh này có liên quan chặt chẽ với nhau.
Chi tiết đầu tiên chúng ta cần để ý trong Tin Mừng hôm nay là: “Người ở nhà, dân chúng tụ tập lại” (Mc 2:1-2). Chi tiết này dường như không mấy người để ý, nhưng nó rất quan trọng. Nếu chúng ta đặt chi tiết này trong bối cảnh của những gì theo sau, Chúa Giêsu gọi Lêvi và ăn uống “trong nhà của Lêvi” (Lc 2:15). Chúng ta thường tìm Chúa ở bên ngoài, nhưng quên mất Chúa đang ở “trong nhà.” Chúa Giêsu dạy chúng ta khi cầu nguyện, hãy vào trong phòng, đóng kín cửa lại (x. Mt 6:6). Điều này có nghĩa là, chúng ta chỉ có thể gặp Chúa trong con tim của mình, trong “khả năng yêu thương,” vì chính khả năng yêu thương này làm cho chúng ta giống Thiên Chúa, Đấng là tinh yêu (x. 1Ga 4:8).
Chi tiết thứ hai là lời của Chúa Giêsu: “Này con, tội con được tha rồi” (Mc 2:5). Chính điều này đã làm cho các luật sĩ cảm thấy khó chịu. Họ khó chịu vì những lời của Chúa Giêsu khó nghe. Đối với họ, chỉ có Thiên Chúa mới có quyền tha tội. Họ không chấp nhận một Thiên Chúa-Con Người cũng có quyền tha tội. Chúng ta cũng thế, khi một người nói khác với chúng ta, chúng ta cảm thấy khó chịu. Trong khi chúng ta khác nhau có thể chỉ vì chúng ta nhìn từ những khía cạnh khác nhau, thể lý hay thiêng liêng. Vì vậy, chúng ta có thể đến với nhau cách thể lý, nhưng con tim lại xa nhau. Chúa Giêsu muốn nói đến căn bệnh bại liệt của con tim. Chữa bệnh thể lý dễ hơn là chữa bệnh tâm hồn. Có nhiều khi trong cuộc sống, trận chiến ở ngoài đã kết thúc từ lâu, nhưng trận chiến trong tâm hồn lại kéo dài cho đến khi xuống mồ.
Chi tiết cuối cùng là: Thấy người bại liệt được chữa lành, mọi người sửng sốt và tôn vinh Thiên Chúa (x. Mc 2:12). Chính điều này nói lên “vẻ đẹp” của Chúa Giêsu trong khi thi hành thánh ý của Chúa Cha. Ngài không để cho ngay cả cái bóng của mình che khuất đi hình ảnh của Chúa Cha trong tất cả những gì Ngài làm. Mục đích chính của Ngài trong mọi việc là mạc khải cho chúng ta biết về tình yêu của Chúa Cha.
Lm. Antôn Nguyễn Ngọc Dũng, SDB