Suy Niệm Lời Chúa thứ Sáu Tuần X Thường niên – Gìn Giữ Con Mắt Thể Xác Và Linh Hồn

(1 V 19:9a.11-16; Mt 5:27-32)

Câu chuyện được thuật lại trong bài đọc 1 hôm nay thật cảm động. Đây là cuộc gặp gỡ giữa ngôn sứ Êlia và Thiên Chúa trong hành trình trốn chạy khỏi sự bách hại của kẻ thù: “Bấy giờ có tiếng hỏi ông: ‘Êlia, ngươi làm gì ở đây?’ Ông thưa: ‘Lòng nhiệt thành đối với Đức Chúa, Thiên Chúa các đạo binh, nung nấu con, vì con cái Israel đã bỏ giao ước với Ngài, phá huỷ bàn thờ, dùng gươm sát hại các ngôn sứ của Ngài. Chỉ sót lại một mình con mà họ đang lùng bắt để lấy mạng con’” (1V 19:13-14). Điều đầu tiên chúng ta phải lưu ý là cuộc gặp gỡ này xảy ra ở trên núi Khôrếp (x. 1V 19:9a). Như chúng ta đã biết, theo truyền thống Kinh Thánh, núi là nơi gặp gỡ Thiên Chúa, là nơi Thiên Chúa mạc khải chính mình và kế hoạch yêu thương của Ngài cho con người. Hôm nay, trên núi Khôrếp, Thiên Chúa gặp Êlia và mạc khải chính mình cũng như kế hoạch của Ngài cho ông. Thiên Chúa gặp Êlia như thế nào? Chúng ta đọc thấy trong bài đọc 1 như sau: “Có lời Đức Chúa phán với ông: “Hãy ra ngoài và đứng trên núi trước mặt Đức Chúa. Kìa Đức Chúa đang đi qua.” Gió to bão lớn xẻ núi non, đập vỡ đá tảng trước nhan Đức Chúa, nhưng Đức Chúa không ở trong cơn gió bão. Sau đó là động đất, nhưng Đức Chúa không ở trong trận động đất. Sau động đất là lửa, nhưng Đức Chúa cũng không ở trong lửa. Sau lửa có tiếng gió hiu hiu. Vừa nghe tiếng đó, ông Êlia lấy áo choàng che mặt, rồi ra ngoài đứng ở cửa hang” (1V 19:11-13). Những lời này cho thấy, Thiên Chúa chỉ được tìm thấy trong sự nhẹ nhàng và dịu hiền. Trong cuộc sống, chúng ta cũng thường trải qua những cơn “động đất” hoặc “lửa bỏng,” trong những giây phút như thế, Thiên Chúa vẫn ở bên chúng ta. Chúng ta chỉ nhận ra điều này khi mọi sự qua đi và chúng ta thinh lặng trước sự hiện diện nhẹ nhàng kín ẩn của Thiên Chúa. Thật vậy, trong sóng gió cuộc sống, rất khó để chúng ta nhận ra sự hiện diện của Thiên Chúa. Chỉ khi bình tâm, khi để con tim mình được chiếm lấy bởi sự dịu hiền của Thiên Chúa, chúng ta sẽ nhận ra Thiên Chúa luôn ở với chúng ta.

Bài Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu hướng các môn đệ về đời sống vợ chồng. Như chúng ta biết, đời sống vợ chồng là một trong những ơn gọi cao quý mà Thiên Chúa đã thiết lập từ khi tạo dựng con người. Không ai trong chúng ta có thể từ chối sự thật này, một cách bình thường, tự bản chất người nam sẽ hướng đến người nữ và người nữ sẽ hướng đến người nam. Điều này tiếp tục xảy ra ngay cả với một người đã lập gia đình [hay đã đi tu]. Vì vậy, vấn đề ngoại tình hay nhìn người khác phái với sự ham muốn vẫn xảy ra cho những người đã lập gia đình. Trong bài Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu cắt nghĩa giới răn thứ 6 và thứ 9. Đây là hai giới răn liên quan đến đời sống “xác thịt” của con người.

Điều mới mẻ trong việc giải thích của Chúa Giêsu là Ngài đưa người nghe về lại với căn nguyên của tội ngoại tình, đó là “cái nhìn thèm muốn.” Thật ra, Chúa Giêsu đưa người nghe của mình về lại lúc khởi đầu. Khi Thiên Chúa tạo dựng Adam và Eva, hai ông bà trần truồng, nhưng không thấy xấu hổ. Khi phạm tội, hai ông bà cũng trần truồng, nhưng lại xấu hổ với nhau. Sự thay đổi ở đây chính là “cái nhìn”: Trước khi phạm tội, hai ông bà nhìn nhau như những chủ thể cần phải được tôn trọng, như những món quà Thiên Chúa ban để yêu thương, như là một phần của thân thể mình [xương bởi xương tôi, thịt bởi thịt tôi]. Còn sau khi phạm tội, họ nhìn nhau như những “đối tượng” để thoả mãn dục vọng của mình. Cái thay đổi trong họ không phải là thân xác của người khác, nhưng là cái nhìn của chính mình. Điều này khuyến cáo chúng ta rằng: trong đời sống hằng ngày, hãy cẩn thận với cái nhìn của mình. Cách thức mình nhìn người khác sẽ quyết định lối cư xử của chúng ta đối với người đó. Sự việc hoặc con người chúng ta gặp gỡ là những thực tại bên ngoài, những nhân tố tác động trên chúng ta. Chúng không làm cho chúng ta nên tốt hoặc xấu. Nhưng những gì xảy ra bên trong chúng ta, hay đúng hơn thái độ của chúng ta trước những tác động đó mới làm cho chúng ta nên người tốt hay người xấu.

Đọc kỹ bài Tin Mừng chúng ta thấy lối viết “bánh mì kẹp” quen thuộc được Thánh Mátthêu sử dụng: hai câu mở đầu (câu 27 và 28) và hai câu kết (câu 31 và 32) nói về cùng một chủ đề, đó là việc Chúa Giêsu dạy về vấn đề ngoại tình. Và hai câu giữa (câu 29 và 30) nói về việc Chúa Giêsu khuyên các môn đệ phải làm gì khi một chi thể của thân thể mình nên cớ vấp phạm cho mình. Cấu trúc của bài Tin Mừng này được sắp xếp như sau:

Luật dạy về ngoại tình 1: “Anh em đã nghe Luật dạy rằng: chớ ngoại tình. Còn Thầy, Thầy bảo cho anh em biết: bất cứ ai nhìn người phụ nữ mà thèm muốn, thì trong lòng đã ngoại tình với người ấy rồi” (Mt 5:27-28).

Lời khuyên để “xử lý” các chi thể làm cớ vấp phạm: Nếu mắt phải của anh làm cớ cho anh sa ngã, thì hãy móc mà ném đi; vì thà mất một phần thân thể, còn hơn là toàn thân bị ném vào hoả ngục. Nếu tay phải của anh làm cớ cho anh sa ngã, thì hãy chặt mà ném đi; vì thà mất một phần thân thể, còn hơn là toàn thân phải sa hoả ngục” (Mt 5:29-30).

Luật dạy về ngoại tình 2: “Luật còn dạy rằng: Ai rẫy vợ, thì phải cho vợ chứng thư ly dị. Còn Thầy, Thầy bảo cho anh em biết: ngoại trừ trường hợp hôn nhân bất hợp pháp, bất cứ ai rẫy vợ là đẩy vợ đến chỗ ngoại tình; và ai cưới người đàn bà bị rẫy, thì cũng phạm tội ngoại tình” (Mt 5:31-32).

Trong hai trường hợp, Chúa Giêsu cho người nghe biết Ngài kiện toàn Luật Môsê và các ngôn sứ như thế nào. Chúng ta thấy ở đây có sự phát triển tiệm tiến: Hai câu mở đầu, Chúa Giêsu nói đến việc không được ngoại tình, còn hai câu cuối, Chúa Giêsu cho người nghe ví dụ cụ thể về việc ngoại tình là hậu quả của việc ly dị. Để giải quyết vấn đề này, Chúa Giêsu đưa chúng ta về nguyên do của ngoại tình và ly dị và dạy chúng ta phải “xử lý” từ nguyên do đó. Nguyên do của ngoại tình và li dị luôn bắt nguồn từ chính chúng ta: từ con mắt hay nhìn thèm muốn, và từ cái tay hay lấy những gì không thuộc về mình. Tóm lại, qua những lời trong bài Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu khuyến cáo chúng ta rằng: đừng để cho những tác động bên ngoài chiến thắng để rồi chúng ta không còn đủ khả năng kiểm soát những “cảm xúc” bên trong. Hãy kiểm soát những xúc cảm bên trong để có thể chiến thắng những tác động bên ngoài.

Lm. Antôn Nguyễn Ngọc Dũng