(2 V 11:1-4.9-18.20; Mt 6:19-23)
Bài đọc tiếp tục trình thuật cho chúng ta nghe về lịch sử của dân Israel. Dù đây là lịch sử của dân được Thiên Chúa tuyển chọn nhưng vẫn tô đậm những cuộc tranh chấp quyền lực đẫm máu. Điều này được chứng minh cụ thể trong hình ảnh của bà Athangia, thân mẫu của vua Akhátgiahu. Khi con mình bị giết, bà đã không muốn ai lên nắm quyền nên đã tiêu diệt tất cả hoàng tộc (x. 2 V 11:1). Nhưng Thiên Chúa đã tiên liệu để cho kế hoạch cứu độ của Ngài được thực hiện. Một dòng dõi trong hoàng tộc được che chở, đó là Giôát. Điểm đáng để chúng ta suy gẫm là lý do Giôát được bình an, đó là “cậu Giôát ở lại với bà Giơhôseva trong Nhà Đức Chúa, lẩn trốn ở đó sáu năm, suốt thời bà Athangia cai trị xứ sở” (2 V 11:3). Việc ẩn náu trong Nhà Chúa đã mang lại bình an cho Giôát. Điều này nhắc nhở chúng ta về những lúc gặp khó khăn giông tố trong cuộc sống, chúng ta ẩn nấu ở đâu? Có phải Thiên Chúa là nơi chúng ta ẩn náu.
Chi tiết thứ hai trong bài đọc 1 hôm nay đáng để chúng ta suy gẫm là việc Giơhôgiađa thiết lập lại giao ước giữa Đức Chúa, vua và dân. Chính qua giao ước này mà “dân trở thành dân của Đức Chúa” (2 V 11:17). Chỉ khi dân trở thành dân Đức Chúa họ mới tìm được sự bình an vì không chạy theo ngẫu tượng. Mỗi người chúng ta cũng đã thiết lập giao ước với Đức Chúa khi chịu phép rửa tội. Tuy nhiên, theo chiều dài cuộc sống, chúng ta cũng đôi khi chạy theo ngẫu tượng của tiền tài, danh vọng và quyền lực, để rồi ngày sống trở nên bất an. Chi tiết này giúp chúng ta hiểu rằng nếu muốn hưởng sự bình an và vui tươi, chúng ta cần sống trọn vẹn giao ước của mình với Đức Chúa.
Bài Tin Mừng hôm nay bắt đầu một số lời dạy khác của Chúa Giêsu cho các môn đệ liên quan đến việc làm thế nào để yêu mến Thiên Chúa với trọn con tim của mình. Phần này cũng thuộc về Bài Giảng Trên Núi. Chúng ta nhận ra 2 phần rõ ràng trong lời dạy của Chúa Giêsu: phần 1 (Mt 6:19-21) nói về kho tàng mà Chúa Giêsu muốn các môn đệ của mình phải có và trong phần 2 (Mt 6:22-23) Chúa Giêsu khuyến cáo các môn đệ phải gìn giữ con mắt của mình, vì con mắt là đèn của thân thể. Chúng ta cùng nhau phân tích hai phần này cách chi tiết hơn để rút ra sứ điệp Chúa Giêsu muốn nói với chúng ta ngày hôm nay.
Theo các học giả Kinh Thánh, phần 1 – lời dạy của Chúa Giêsu về kho tàng – được Thánh Mátthêu viết lại từ hình thức được bảo lưu trong Tin Mừng Thánh Luca (12:33-34). Theo hình thức, phần này bao gồm một mệnh lệnh tiêu cực [“Anh em đừng tích trữ cho mình những kho tàng dưới đất, nơi mối mọt làm hư nát, và kẻ trộm khoét vách lấy đi” (Mt 6:19)], một mệnh lệnh tích cực [“Hãy tích trữ cho mình những kho tàng trên trời, nơi mối mọt không làm hư nát, và kẻ trộm không khoét vách lấy đi” (Mt 6:20)] và kết thúc bằng một câu châm ngôn [“Vì kho tàng của anh ở đâu, thì lòng anh ở đó” (Mt 6:21)]. Câu châm ngôn [tục ngữ] nhằm mục đích biện minh cho hai mệnh lệnh trên. Hay nói cách khác, câu châm ngôn đưa ra lý do tại sao phải thực hiện hai mệnh lệnh trên. Như chúng ta biết, đề tài về kho tàng là một trong những đề tài được Thánh Mátthêu ưa thích (x. Mt 13:44). Trong hai mệnh lệnh [tiêu cực và tích cực], Chúa Giêsu phân biệt cho chúng ta hai loại kho tàng, đó là kho tàng dưới đất dễ mục nát và kho tàng trên trời không bao giờ hư nát. Tuy nhiên, điều chúng ta cần phải lưu ý ở đây là việc Chúa Giêsu không có ý muốn chúng ta quá “thiêng liêng hoá” mọi sự để rồi “chống lại” những giá trị nhân bản. Thật vậy, nhiều người trong chúng ta sống “quá thiêng liêng,” đến độ quên mình “là những con người,” nên không có lòng bao dung và cảm thông cho những lỗi lầm và thiếu sót của anh chị em mình. Điều Chúa Giêsu muốn nói với các môn đệ là loại kho tàng mà chúng ta đã cảm nghiệm giá trị của nó trong cuộc sống này và tiếp tục có một giá trị tuyệt đối trong đời sống vĩnh cửu. Nói cách cụ thể, loại kho tàng Chúa Giêsu nói đến là thứ mà hoa trái của nó chúng ta thừa hưởng trong thế giới này. Trong khi đó, “số tiền vốn và lời” đã được tích trữ cho chúng ta trong thế giới mai sau. Những điều này là: Tôn kính cha mẹ, những cử chỉ yêu thương, kiến tạo hoà bình, và học hỏi những giới luật của Thiên Chúa, những giới luật giúp chúng ta sống đời sống yêu thương, cảm thông và tha thứ. Chúng ta có thích thú để thu góp cho mình một kho tàng bao gồm những điều này không?
Theo các học giả Kinh Thánh, phần 2 của bài Tin Mừng hôm nay bắt nguồn từ Nguồn Q. Hình thức viết của phần này bao gồm bốn câu và được phân chia như sau: (1) định nghĩa – “Đèn của thân thể là con mắt”; (2) hai câu điều kiện mang tính tương phản – “Vậy nếu mắt anh tốt, thì toàn thân anh sẽ sáng. Còn nếu mắt anh xấu, thì toàn thân anh sẽ tối; (3) và câu điều kiện kết để mở ra một câu hỏi bất tận: “Vậy nếu ánh sáng nơi anh lại thành bóng tối, thì tối biết chừng nào!” Chúa Giêsu muốn nói gì với các môn đệ trong những lời này? Ngài muốn dạy các môn đệ rằng: nền tảng mà trên đó con người xây dựng cuộc sống của mình phải tốt. Nếu khuynh hướng căn bản, hay đúng hơn, lựa chọn nền tảng của cuộc sống là tốt, thì kết quả tổng thể của cuộc sống sẽ tích cực. Ngược lại, nếu chọn lựa nền tảng xấu, thì chúng ta sẽ có kết cục không tốt đẹp. Chúng ta đang xây đời mình trên nền tảng như thế nào: tốt hay xấu – Thiên Chúa hay Tiền Của? [câu hỏi này sẽ là đề tài của Tin Mừng ngày mai].
Lm. Antôn Nguyễn Ngọc Dũng, SDB