(Is 49:8-15; Ga 5:17-30)
Bài đọc 1 nói về sự chấm dứt cảnh nô lệ của dân Israel, và dân trở về quê nhà từ nhiều phương xa. Theo các học giả Kinh Thánh, đoạn trích trong bài đọc 1 hôm nay là một “bản cắt ghép” của những ý tưởng và câu văn đã được viết chỗ này hay chỗ khác trong sách của Ngôn sứ Isaia (x. 40:1, 11; 41:18; 43:5-6; 45:14; 49: 4,6,21; 61:2). Chúng ta thấy đoạn này thường được đọc trong mùa vọng, nói về việc chuẩn bị để đón Chúa đến.
Điều đáng để chúng ta suy gẫm đó là thái độ của Thiên Chúa khi đối xử với dân Israel được trình bày trong bài đọc 1. Thiên Chúa luôn nhận lời cầu xin của Israel và cứu độ họ. Ngài gìn giữ và ký kết giao ước với Israel. Ngài phục hồi khi Israel không trung thành với giao ước và chia lại cho họ gia sản Ngài đã hứa ban mà đã bị tàn phá. Ngài phục hồi họ bằng cách nào? Bằng cách giải phóng cho những người ngồi trong bóng tối của nhà tù tội lỗi; Ngài chăm sóc họ như bầy chiên của Ngài; Ngài an ủi họ trong cảnh sầu thương và thương xót họ trong cảnh khó nghèo. Tóm lại, Ngôn sứ Isaia trình bày cho chúng ta một hình ảnh tuyệt đẹp về Thiên Chúa. Đây chính là Thiên Chúa chúng ta tôn thờ; và đây chính là Thiên Chúa mà nhiều khi chúng ta kết án và giết chết qua những lỗi phạm của chúng ta.
Điểm cuối cùng trong bài đọc 1 đáng làm chúng ta suy gẫm là hai câu cuối. Đây là những câu an ủi tuyệt vời nhất được hát cho Xion [Giêrusalem], khi con cái của thành bị phân tán. Dù có thế nào, Thiên Chúa không bao giờ bỏ rơi thành và con cháu của thành: “Đức Chúa đã bỏ tôi, Chúa Thượng tôi đã quên tôi rồi!’ Có phụ nữ nào quên được đứa con thơ của mình, hay chẳng thương đứa con mình đã mang nặng đẻ đau ? Cho dù nó có quên đi nữa, thì Ta, Ta cũng chẳng quên ngươi bao giờ” (Is 49:14-15). Theo các học giả Kinh Thánh, câu 15 là câu diễn tả tuyệt hảo nhất và giàu cảm xúc nhất về tình yêu của Thiên Chúa trong toàn bộ Kinh Thánh. Hình ảnh Thiên Chúa như người Mẹ là một hình ảnh tự nhiên để tượng trưng cho thành được bao bọc bởi những bức tường như người mẹ mang thai con cái. Đọc câu này, ai trong chúng ta lại không thấy được an ủi và được yêu thương. Hãy luôn nhớ rằng: khi mọi tình cảm, mọi sự trên thế gian này bỏ rơi chúng ta, Thiên Chúa không bao giờ bỏ rơi chúng ta.
Tin Mừng ngày hôm qua kết thúc với việc người Do Thái muốn tìm cách giết Chúa Giêsu; và đó cũng là khởi điểm cho cuộc gặp gỡ hôm nay của Chúa Giêsu và người Do Thái. Đề tài xét xử xuất hiện trong ngày hôm qua nơi hình ảnh của người đau ốm được chữa lành trở thành nội dung chính của “bài giảng” của Chúa Giêsu hôm nay. Hai câu đầu tiên liên kết chúng ta với ngày hôm qua và những gì sẽ được trình bày tiếp theo: “Khi ấy, sau khi chữa lành một người bệnh trong ngày Sabát, Đức Giêsu tuyên bố với người Do Thái rằng: “Cho đến nay, Cha tôi vẫn làm việc, thì tôi cũng làm việc.” Bởi vậy, người Do thái lại càng tìm cách giết Đức Giêsu, vì không những Người phá luật Sabát, lại còn nói Thiên Chúa là Cha của mình, và như thế là tự coi mình ngang hàng với Thiên Chúa” (Ga 5:17-18). Hai câu này nêu lên hai lý do mà người Do Thái tìm cách giết Chúa Giêsu: (1) phá luật ngày sabát, (2) coi mình ngang hành với Thiên Chúa. Trong bối cảnh bị chống đối, Chúa Giêsu bắt đầu nói về mối tương quan giữa Ngài và Chúa Cha, mối tương quan mang cho Ngài sức mạnh để đối diện với sự chống đối, và cũng chính mối tương quan này mà Ngài sẽ bị kết án là phạm thượng và bị giết chết. Như vậy, vấn đề chính mà Chúa Giêsu bị chống đối là việc Ngài đặt mình ngang hàng với Chúa Cha. Điểm này khác với trong Tin Mừng Thánh Máccô (2:7): Chúa Giêsu bị kết án là phạm thượng vì tha tội, điều mà chỉ thuộc về Thiên Chúa.
Chúng ta cùng nhau suy gẫm về tương quan giữa Chúa Cha và Chúa Con. Qua tương quan này, Chúa Giêsu nhận được hai quyền: xét xử và ban sự sống. Đây chính là nội dung chính của bài Tin Mừng hôm nay. Hai hoạt động của Người Con: ban sự sống và xét xử, là sự phản chiếu những gì Chúa Cha đang làm. Hai câu 19-20 có thể được xem như dụ ngôn, rút ra từ đời sống thường ngày giữa người con đang cố gắng làm lại những gì cha mình đã làm: “Thật, tôi bảo thật các ông: người Con không thể tự mình làm bất cứ điều gì, ngoại trừ điều Người thấy Chúa Cha làm; vì điều gì Chúa Cha làm, thì người Con cũng làm như vậy. Quả thật, Chúa Cha yêu người Con và cho người Con thấy mọi điều mình làm, lại sẽ còn cho người Con thấy những việc lớn lao hơn nữa, khiến chính các ông cũng phải kinh ngạc” (Ga 5:19-20). Qua những lời này, Chúa Giêsu khẳng định Ngài là Người được Chúa Cha sai đến để làm những công việc mà Chúa Cha muốn thực hiện. Ngài không tự mình làm gì, nhưng chỉ làm những gì Ngài nghe được từ Cha Ngài. Điều này có ý nghĩa gì đối với chúng ta? Trước khi thực hiện bất cứ điều gì, chúng ta có dành giây phút thinh lặng để lắng nghe điều Chúa muốn chúng ta thực hiện không? Những việc chúng ta làm có phản chiếu những gì Thiên Chúa làm không? Hay nói cách khác, chúng ta có làm những gì Thiên Chúa muốn chúng ta làm không? Điều thứ hai chúng ta cần lưu ý trong những lời trên là: “những việc lớn lao hơn nữa.” Những việc này là gì? Trong Tin Mừng của Thánh Gioan, những việc lớn lao diễn tả mối tương quan giữa Chúa Giêsu và Thiên Chúa. Những việc lớn lao được định nghĩa trong những câu tiếp theo của bài Tin Mừng, đó là, ban sự sống và xét xử.
Đề tài về sứ mệnh của Người Con—ban sự sống cho những ai tin và những ai không tin đã bị xét xử–đã được Thánh Gioan bắt đầu trong cuộc đối thoại của Chúa Giêsu với Nicôđêmô (x. Ga 3:31-36). Viễn cảnh mang tính cánh chung này được lặp lại trong bài Tin Mừng hôm nay. Trong đối thoại với Nicôđêmô, Chúa Giêsu nói đến sự sống đời đời; còn trong bài Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu sát nhập đề tài này với việc phục hồi lại sự sống qua việc làm cho người chết sống lại. Cả hai lối diễn tả này đưa chúng ta trở về với công việc lớn lao hơn mà người Do Thái sẽ chứng kiến Chúa Giêsu thực hiện, nhất là trong việc cho Lazarô sống lại (Ga 11:1-44). Chính “công việc lớn lao” chứng minh rằng Chúa Giêsu được Chúa Cha sai đến. Thánh Gioan áp dụng điều này vào bối cảnh tôn kính: “Kẻ nào không tôn kính người Con, thì cũng không tôn kính Chúa Cha, Đấng đã sai người Con” Ga 5:23). Hình ảnh Chúa Giêsu sử dụng để nói đến việc ai tôn kính Chúa Con thì tôn kính Chúa Cha (x. Ga 5:23) nhằm nói lên việc Chúa Giêsu được Chúa Cha sai đến, nghĩa là Ngài xứng đáng được đón nhận giống như Đấng sai Ngài đến.
Chúng ta thấy trong hai câu 23-24, Chúa Giêsu sử dụng hai lần “Amen” (“Thật”) để nhấn mạnh đến việc Chúa Giêsu đang hiện thực hoá những gì sẽ xảy ra trong thời cánh chung: “Thật, tôi bảo thật các ông: ai nghe lời tôi và tin vào Đấng đã sai tôi, thì có sự sống đời đời và khỏi bị xét xử, nhưng đã từ cõi chết bước vào cõi sống. “Thật, tôi bảo thật các ông: giờ đã đến – và chính là lúc này đây – giờ các kẻ chết nghe tiếng Con Thiên Chúa; ai nghe thì sẽ được sống” (Ga 5:24-25). Những ai “nghe và tin vào Ngài sẽ có sự sống đời đời và khỏi bị xét xử” (Ga 5:24). Sự sống và phán xét không phải là một điều gì xảy ra trong tương lai đối với những người nghe và tin vào Chúa Giêsu. Nhưng là những người đi từ sự chết sang sự sống: chết cho chính mình và sống cho Thiên Chúa. Nói cách cụ thể hơn, chúng ta đang bị xét xử mỗi ngày, khi chúng ta sống theo khuynh hướng tự nhiên của mình, không chết đi cho chính mình để sống cho Thiên Chúa và anh chị em của chúng ta.
Điểm cuối cùng chúng ta có thể rút ra để suy gẫm là câu cuối cùng của bài Tin Mừng hôm nay: “Tôi không thể tự ý mình làm gì. Tôi xét xử theo như tôi được nghe, và phán quyết của tôi thật công minh, vì tôi không tìm cách làm theo ý riêng tôi, nhưng theo ý Đấng đã sai tôi” (Ga 5:30). Chúa Giêsu khẳng định rằng Ngài không tự ý mình làm gì và không tìm cách để làm theo ý riêng của Ngài, nhưng làm theo ý của Chúa Cha. Điều này là một thách đố lớn cho chúng ta ngày hôm nay, những người luôn muốn khẳng định chính mình, muốn được tự do và không lệ thuộc. Sống trong một thế giới mà chủ nghĩa cá nhân được tôn vinh qua việc tôn vinh cái gọi là: “luật bảo vệ những điều riêng tư.” Chúng ta thường xem trọng chính mình, ý kiến riêng của mình đến độ xem ý kiến của người khác như những mối đe doạ hơn là sự bổ sung. Lời Chúa Giêsu nhắc chúng ta trở về lại với căn tính của mình: chúng ta là những môn đệ, những tông đồ của Ngài, là những người học từ Ngài những điều cần thiết để rồi được sai đi làm những điều Ngài đã làm. Hãy để Chúa thực hiện trong bạn những gì Ngài muốn hơn là thực hiện những gì bạn muốn và gán cho Chúa.
Lm. Antôn Nguyễn Ngọc Dũng, SDB