(Ed 9:1-7; 10:18-22; Mt 18:15-20)
Bài đọc 1 thuật lại cho chúng ta viễn cảnh về sự trừng phạt Giêrusalem. Mọi người trong thành sẽ bị giết chết, Đền Thờ sẽ bị làm cho ô uế với những xác chết và vinh quang Đức Chúa sẽ rời khỏi Đền Thờ: “Vinh quang Đức Chúa bay lên khỏi thềm Đền Thờ và dừng lại trên các thần hộ giá. Các thần hộ giá dang cánh và cất mình lên khỏi mặt đất trước mắt tôi khi đi ra; các bánh xe cũng chuyển theo cùng một lúc. Các thần hộ giá dừng lại ở lối vào cửa đông Nhà Đức Chúa, và vinh quang của Thiên Chúa Israel ngự bên trên các vị ấy” (Ed 10:18-19). Nguyên nhân của sự trừng phạt Giêrusalem là vì dân đã bỏ đường lối của Chúa, biến Đền Thờ thành nơi ô uế vì tôn thờ Đức Chúa chỉ bằng môi miệng, như cõi lòng thì xa rời Đức Chúa. Bên cạnh đó, viễn cảnh này cũng cho thấy vinh quang của Đức Chúa không còn ngự trong đền thờ bằng vật chất, mà ngự trên những người tôn thờ Ngài. Chi tiết này gợi cho chúng ta câu nói của Thánh Irênê: Vinh quang của Thiên Chúa là con người đang sống. Mỗi người chúng ta là vinh quang Chúa. Hãy sống thế nào để người khác nhìn thấy vinh quang Thiên Chúa toả rạng nơi chúng ta.
Trong bài Tin Mừng hôm nay, chúng ta tìm thấy tiến trình xét xử khi một người lỗi phạm một điều gì đó. Nền tảng của trình thuật Tin Mừng là một lời khuyên răn ngắn dành cho việc sửa lỗi huynh đệ trong nguồn Q (x. Lc 17:3). Trong câu 15 đến 17, Thánh Matthêu xây dựng toàn bộ ba giai đoạn của tiến trình xét xử để kỷ luật một người anh chị em ngoan cố không chịu sửa lỗi: “Nếu người anh em của anh trót phạm tội, thì anh hãy đi sửa lỗi nó, một mình anh với nó mà thôi. Nếu nó chịu nghe anh, thì anh đã chinh phục được người anh em. Còn nếu nó không chịu nghe, thì hãy đem theo một hay hai người nữa, để mọi công việc được giải quyết, căn cứ vào lời của hai hoặc ba chứng nhân. Nếu nó không nghe họ, thì hãy đi thưa Hội Thánh. Nếu Hội Thánh mà nó cũng chẳng nghe, thì hãy kể nó như một người ngoại hay một người thu thuế” (Mt 18:15-17). Trong những lời trên, chúng ta thấy bước đầu tiên trong tiến trình là đối chất và khuyên răn mang tính riêng tư cá nhân. Bước này nhắc nhở chúng ta không nên sửa lỗi anh chị em mình cách công khai, trước mặt người khác khi chưa sửa lỗi họ cách riêng tư cá nhân, nhưng nhẹ nhàng. Khi làm như thế, chúng ta sẽ dễ dàng “chinh phục” được người anh em. Thuật ngữ “chinh phục ở đây là thuật ngữ của các rabbi dùng để nói lên sự sám hối (x. Lv 19:17-18). Bước thứ hai trong tiến trình là sửa lỗi trong sự hiện diện của hai hoặc ba nhân chứng. Đây là câu trích từ sách Đệ Nhị Luật (19:15). Tuy nhiên, vấn đề được các rabbi thảo luận ở đây là điều gì sẽ xảy ra nếu chúng ta chỉ có một nhân chứng? Bản văn cho thấy rằng nếu có một nhân chứng cũng đã đủ. Chi tiết này cho thấy có sự khác biệt mang tính pháp lý trong lời dạy của Chúa Giêsu so với các truyền thống khác. Bước thứ ba là trình bày cho Hội Thánh. Thuật ngữ Hội Thánh ở đây ám chỉ đến cộng đoàn địa phương. Khi một người không lắng nghe Hội Thánh thì người đó bị xem như một “người dân ngoại hay người thu thuế.” Đây là kiểu nói ám chỉ đến việc cắt phép thông công của người đó, loại trừ ra khỏi cộng đoàn, đây là bước cứng rắn cần thực hiện chỉ trong những trường hợp mà lỗi phạm gây nguy hiểm cho đời sống cộng đoàn. Chúng ta biết rằng, Chúa Giêsu chào đón những người dân ngoại và những người thu thuế. Nhưng điều này chỉ xảy ra khi họ tỏ lộ dấu hiệu tin vào Ngài và sám hối cho tội lỗi của mình (x. Mt 9:9-13). Những chi tiết trên nhắc nhở chúng ta về nghệ thuật sửa lỗi anh chị em mình: người sửa lỗi phải có lòng kiên nhẫn, bao dung và hiền hoà, còn người bị sửa lỗi cần phải khiêm nhường, mở rộng và mong ước thay đổi để trở nên tốt hơn.
Trong câu 18 đến 20, Chúa Giêsu cung cấp nền tảng thần linh cho những quyết định mang tính pháp lý này, đi từ luật sang thần học. Nền tảng đầu tiên Chúa Giêsu cung cấp là việc Chúa Giêsu ban cho các môn đệ quyền tháo cởi: “Thầy bảo thật anh em: dưới đất, anh em ràng buộc những điều gì, trên trời cũng sẽ ràng buộc như vậy; dưới đất, anh em tháo cởi những điều gì, trên trời cũng sẽ tháo cởi như vậy” (Mt 18:18). Những lời này được đặt trong thể bị động để chỉ ra rằng chính Thiên Chúa sẽ ràng buộc hoặc tháo cởi. Các môn đệ được ban cho cùng quyền lực như thế để ràng buộc và tháo cởi. Chi tiết này chỉ ra rằng chúng ta là những người thực hành quyền tha thứ nhân danh Thiên Chúa. Chúng ta phải thực hiện quyền này theo ý muốn của Thiên Chúa chứ không theo ý muốn của mình. Vì vậy, trong đời sống thường ngày, việc tha thứ cho nhau làm chúng ta trở nên giống Chúa hơn, vì Ngài là Đấng từ bi nhân hậu, chậm bất bình và giàu tình thương. Sống tha thứ để trở nên như Ngài!
Nền tảng thứ hai cho việc sửa lỗi là cầu nguyện: “Thầy còn bảo thật anh em: nếu ở dưới đất, hai người trong anh em hợp lời cầu xin bất cứ điều gì, thì Cha Thầy, Đấng ngự trên trời, sẽ ban cho. Vì ở đâu có hai ba người họp lại nhân danh Thầy, thì có Thầy ở đấy, giữa họ” (Mt 18:19-20). Những lời này cho thấy tầm quan trọng của hiệp nhất cầu nguyện trong việc sửa lỗi, hay nói đúng hơn, để tha thứ, chúng ta cần chìm đắm trong đời sống cầu nguyện. Không liên kết mật thiết với Thiên Chúa, chúng ta sẽ khó tha thứ cho anh chị em mình. Khi liên kết mật thiết với Thiên Chúa, chúng ta nhận ra mình là những tội nhân và Thiên Chúa luôn tha thứ cho chúng ta mỗi khi chúng ta đến với Ngài. Khi cảm nghiệm được tình yêu tha thứ của Thiên Chúa, chúng ta sẽ dễ dàng mở lòng để tha thứ cho anh chị em của chúng ta.
Lm. Antôn Nguyễn Ngọc Dũng, SDB