(Xh 23:20-23; Mt 18:1-5.10)
Kinh nghiệm ngày sống dạy chúng ta rằng khi làm một việc gì hay thực hiện một hành trình nào đòi hỏi nhiều nỗ lực; và nếu có một ai đó bên cạnh luôn nâng đỡ, động viên và an ủi, chúng ta cảm thấy mạnh mẽ hơn khi gặp thất bại và hạnh phúc hơn khi được thành công. Người ta thường nói: Niềm vui nhân đôi khi được chia sẻ và nỗi buồn sẽ vơi một nửa khi được sớt chia. Đây chính là điều chúng ta cảm nghiệm thấy đối với thiên thần hộ thủ của chúng ta. Theo niềm tin Kitô Giáo, mỗi người chúng ta được ban cho một thiên thần hộ thủ, đấng luôn kề bên chúng ta để bảo vệ chúng ta, nhất là khi chúng ta gặp khó khăn và bị cám dỗ. Niềm tin này có nền tảng trong Kinh Thánh. Chúng ta cùng nhau tìm hiểu vai trò của các thiên thần hộ thủ được trình bày trong các bài đọc lời Chúa hôm nay.
Bài đọc 1 trích từ sách Xuất Hành trình bày cho chúng ta về việc Đức Chúa dẫn đưa dân Israel vào đất hứa. Để thực hiện điều đó, Đức Chúa “sai thiên sứ đi trước ngươi, để giữ gìn ngươi khi đi đường và đưa ngươi vào nơi Ta đã dọn sẵn” (Xh 23:20). Những lời này chỉ cho chúng ta thấy vai trò của thiên thần hộ thủ là đi trước để “dẫn đường.” Đồng thời, trong hành trình của mình, ngài luôn “giữ gìn” và “đưa chúng ta vào” đất mà Chúa đã dọn sẵn. Ai trong chúng ta cũng đang trên hành trình về Đất Hứa, về Thiên Đàng. Thiên thần hộ thủ luôn đi trước để hướng dẫn chúng ta trên mọi nẻo đường. Ngài cũng gìn giữ chúng ta khỏi mọi nguy hiểm đang rình rập và đưa chúng ta vào Thiên Đàng. Chính vì vậy mà chúng ta phải “ý tứ và nghe lời người. Đừng làm cho người phải chịu cay đắng; người sẽ không tha lỗi cho các ngươi, vì danh Ta ngự trong người” (Xh 23:21). Chúng ta phải sống một đời sống ngay thẳng. Một trong những điều quan trọng là chúng ta phải “nghe” lời thiên thần hộ thủ cũng như ý tứ lời ăn tiếng nói của mình hầu không làm buốn lòng ngài. Khi chúng ta lắng nghe thiên thần hộ thủ, chúng ta sẽ được trở nên nghĩa thiết với Thiên Chúa và được Người yêu mến. Chính Thiên Chúa sẽ là Đấng chiến đấu cho chúng ta trên hành trình về Thiên Đàng!
Vai trò của thiên thần hộ thủ được đặt trong cuộc “chất vấn” của các môn đệ về người lớn kẻ nhỏ trong Nước Trời. Đoạn Tin Mừng hôm nay cũng được trích đọc trong ngày hôm qua, lễ kính Thánh Têrêxa Hài Đồng Giêsu. Vấn đề được các môn đệ quan tâm là vấn đề mà mỗi người chúng ta cũng quan tâm, đó là vấn đề “vị trí” trong cộng đoàn. Đi đến một tổ chức nào, chúng ta cũng được giới thiệu về “phẩm trật.” Người càng làm lớn dường như được nhiều bổng lộc, được kính trọng, và được nhiều đặc ân. Tư tưởng này ảnh hưởng đến lối suy nghĩ của các môn đệ [và chúng ta] khi nghĩ về Nước Trời. Trong Nước Trời, chắc cũng có chỗ trước chỗ sau! Vì vậy, các môn đệ đến hỏi Chúa Giêsu về vị trí lớn nhất trong Nước Trời: “Khi ấy, các môn đệ lại gần hỏi Đức Giêsu rằng: ‘Thưa Thầy, ai là người lớn nhất trong Nước Trời?’” (Mt 18:1). Trong những lời này, chúng ta không thấy các môn đệ trực tiếp tranh giành nhau về chỗ nhất trong Nước Trời. Điều các môn đệ làm là hỏi cách chung chung ai là người lớn nhất trong Nước Trời. Đứng trước câu hỏi này, Chúa Giêsu “gọi” một em nhỏ và “đặt vào giữa” các ông (x. Mt 18:2). Qua hành động này, Chúa Giêsu muốn nhắc nhở các môn đệ về ơn gọi của họ: Họ được Chúa Giêsu “gọi” và “đặt vào giữa” muôn dân, hầu làm gương sáng cho muôn dân. Nhìn từ khía cạnh này, mỗi người chúng ta được Chúa gọi để làm “thiên thần hộ thủ” cho nhau qua đời sống gương mẫu của mình. Thật vậy, trong đời sống gia đình hay cộng đoàn, mỗi người được Thiên Chúa trao cho những anh chị em để chăm sóc và yêu thương. Mong sao chúng ta hoàn thành trách nhiệm này cách tốt đẹp, để không bị rơi vào tình cảnh như Cain, khi Đức Chúa hỏi ông về em của mình là Aben, ông trả lời là ông không phải là người chăm sóc cho em của mình. Hãy là người chăm sóc anh chị em của chúng ta!
Tuy nhiên, để trở thành người lớn nhất trong Nước Trời, trước tiên chúng ta phải vào được Nước Trời qua việc “sám hối,” thay đổi cuộc sống mình trở nên hoàn toàn tin tưởng, lệ thuộc như trẻ nhỏ. Chỉ khi làm được điều này, chúng ta mới trở thành người lớn nhất trong Nước Trời: “Vậy ai tự hạ, coi mình như em nhỏ này, người ấy sẽ là người lớn nhất trong Nước Trời” (Mt 18:4). Trong những lời này, chúng ta thấy lời mời gọi trở nên người lớn nhất trong Nước Trời là dành cho hết mọi người, chứ không chỉ dành riêng cho một số. Những ai “tự hạ và coi mình như trẻ nhỏ” sẽ là người lớn nhất trong Nước Trời. Ở đây, Chúa Giêsu lấy em nhỏ để “làm đại diện” cho Ngài. Hay nói đúng hơn, Ngài “đồng hoá” chính mình với trẻ nhỏ, để “ai tiếp đón một em nhỏ như em này vì danh Thầy, là tiếp đón chính Thầy” (Mt 18:5). Nói cách cụ thể, những ai sống tinh thần trẻ thơ [“đón nhận một em nhỏ như em này”] hoàn toàn lệ thuộc vào Chúa thì mới trở thành người lớn nhất trong Nước Trời. Chúng ta có lệ thuộc vào Chúa Giêsu không? Chúng ta phải nhớ rằng: “Không có Thầy anh em sẽ không làm được gì” (Ga 15:5).
Bài Tin Mừng kết thúc với hình ảnh trái ngược với thái độ đón nhận trẻ nhỏ trên, đó là thái độ “coi khinh,” tức là không muốn lệ thuộc vào Chúa: “Anh em hãy coi chừng, chớ khinh một ai trong những kẻ bé mọn này; quả thật, Thầy nói cho anh em biết: các thiên thần của họ ở trên trời không ngừng chiêm ngưỡng nhan Cha Thầy, Đấng ngự trên trời” (Mt 18:10). Chính trong bối cảnh “coi khinh” các em nhỏ mà vai trò của thiên thần hộ thủ được làm nổi bật. Trong những lời trên, Chúa Giêsu ám chỉ đến việc trẻ nhỏ là những người có một mối tương quan rất mãnh liệt với các thiên thần và Thiên Chúa. Điều này đến từ việc các em luôn luôn sống trong tâm tình “lệ thuộc.” Đây là một sự lệ thuộc mang tính tích cực [nhận ra sự túng thiếu của mình và mình không làm được gì nếu không có người khác] chứ không mang tính tiêu cực [dựa dẫm hay lợi dụng người khác khi mình có thể]. Hãy lệ thuộc hoàn toàn vào Chúa vì Ngài luôn chăm sóc cho chúng ta qua các thiên thần hộ thủ!
Lm. Antôn Nguyễn Ngọc Dũng, SDB