(Gl 2:1-2.7-14; Lc 11:1-4)
Trong bài đọc 1 hôm nay, Thánh Phaolô kể ra vụ rắc rối tại. Đây là một thời sự nóng bỏng. Chúng ta thường hay nói về việc bất ổn trong Giáo hội, chúng ta công nhận có sự chống đối nhau giữa các Kitô hữu thủ cựu và cấp tiến, và có thể chúng ta bực mình trong việc tranh luận về quyền bính… hãy xem thái độ quân bình sâu xa, nhưng không dễ dàng, của Phaolô khi phải chạm trán với Phêrô. Chúng ta có thể rút ra những điểm sau trong lời dạy của Thánh Phaolô: (1) Muốn có một Hội Thánh duy nhất thì phải có sự hiệp thông trong cùng một Tin Mừng. Thánh Phaolô quyết tâm làm cho các anh em ở Giêrusalem là Giáo Hội Mẹ, thừa nhận Tin Mừng mà ông rao giảng. Nếu không, thì việc “bôn tẩu của ông trở nên vô hiệu,” như lời ông nói. (2) Một Hội Thánh có tự do ngôn luận, bắt buộc phải thành thật với nhau. Hai điểm trên dạy chúng ta rằng Tin Mừng là điểm nối kết và hiệp nhất chúng ta lại trong tình yêu Thiên Chúa. Để sống hiệp nhất trong Tin Mừng, mỗi người chúng ta phải sống thành thật với nhau.
Một trong những đề tài quan trọng trong Tin Mừng Thánh Luca là “cầu nguyện.” Bài Tin Mừng hôm nay bắt đầu nói về các môn đệ Chúa Giêsu và cầu nguyện. Trích đoạn chúng ta nghe hôm nay được Thánh Luca đặt trong bài giáo lý về cầu nguyện cho các tín hữu dân ngoại, là những người mà sự hiểu biết về Thiên Chúa và mạc khải trong Cựu Ước cần phải được phát triển và cần phải trung thành trong đời sống cầu nguyện giữa một môi trường bị chống đối. Chúa Giêsu luôn cầu nguyện, nhất là trong những giây phút quan trọng của đời Ngài hầu kết hiệp mật thiết với Chúa Cha để biết thánh ý Ngài. Như chúng ta đã biết, người môn đệ theo thầy là để học. Khi thấy Chúa Giêsu có một tương quan “độc nhất vô nhị” với Chúa Cha qua đời sống cầu nguyện, các môn đệ cũng muốn có được một tương quan như thế nên các ông đã đến để xin Chúa Giêsu dạy họ biết cầu nguyện.
Chi tiết đầu tiên đáng để chúng ta suy gẫm là việc Chúa Giêsu dạy các tông đồ bằng chính gương sáng của mình: “Khi ấy, Đức Giêsu cầu nguyện ở nơi kia. Người cầu nguyện xong, thì có một người trong nhóm môn đệ nói với Người: “Thưa Thầy, xin dạy chúng con cầu nguyện, cũng như ông Gioan đã dạy môn đệ của ông” (Lc 11:1). Chính đời sống cầu nguyện của Chúa Giêsu cuốn hút các môn đệ. Ngài không dạy họ một mớ lý thuyết về cầu nguyện. Ngài dạy họ bằng chính đời sống cầu nguyện của mình. Như chúng ta biết, có một hình thức cầu nguyện riêng biệt là một dấu đặc trưng của một cộng đoàn tôn giáo. Đây chính là cách thức để nhận ra một cộng đoàn tôn giáo thời cổ. Điều này cũng còn đúng trong ngày hôm nay.
Chúng ta thấy trong lời cầu nguyện Chúa Giêsu dạy các môn đệ sứ mệnh của Ngài khi được Chúa Cha sai đến trong thế gian, đó là (1) làm cho danh Chúa Cha vinh hiển, (2) Triều Đại Cha mau đến; (3) trở nên lương thực hằng ngày cho con người; (4) mang lại ơn tha thứ và hoà giải cho con người; (5) trợ giúp con người khi yếu đuối trước cám dỗ. Nói cách khác, trong lời dạy của mình, Chúa Giêsu không chỉ dạy các môn đệ cầu nguyện như thế nào, nhưng đặc biệt là làm thế nào để sống và hành động như những người theo Ngài. Lời cầu nguyện của Chúa Giêsu trở thành lời cầu nguyện của người môn đệ. Lối sống của Chúa Giêsu trở thành lối sống của người môn đệ. Một cách cụ thể hơn, lời cầu nguyện và cuộc sống phải đi đôi với nhau. Hay đúng hơn chúng ta phải biến cuộc sống của chúng ta thành lời cầu nguyện liên lỉ. Lời cầu nguyện này bao gồm hai phần: tôn vinh Thiên Chúa và thánh hoá con người.
Trong phần tôn vinh Thiên Chúa, chúng ta phải thực hiện hai điều. Trước hết, chúng ta làm cho danh Chúa Cha được vinh hiển. Chúng ta làm cho danh Chúa Cha được vinh hiển khi chúng ta sống trong mối tương quan thân tình với Ngài như Chúa Giêsu. Chính mối tương quan mang tính con thảo này làm cho chúng ta sẵn sàng thực hiện những gì Chúa Cha muốn. Chúa Giêsu đã không làm gì theo ý mình, nhưng làm mọi sự theo thánh ý Chúa Cha. Đây là điều làm cho danh Chúa Cha vinh hiển và dẫn đến điều thứ hai, đó là làm cho Triều Đại Cha mau đến. Triều Đại này là một triều đại yêu thương và tha thứ. Nói cách khác, khi sống yêu thương và tha thứ chúng ta đã làm cho Triều Đại của Thiên Chúa ngự trị trong lòng chúng ta và lan toả đến mọi tâm hồn khác.
Chúng ta thánh hoá chính mình và người khác qua việc đón nhận lương thực hằng ngày là Chúa Giêsu Thánh Thể. Với Chiên Thiên Chúa, Đấng xoá tội trần gian, chúng ta sẽ được nuôi dưỡng hầu có đủ sức để hành trình về Thiên Đàng. Qua việc đón nhận lương thực hằng ngày này, chúng ta cũng được mời gọi trao ban chính mình như lương thực nuôi dưỡng người khác, để trở nên một với người khác. Tuy nhiên, để xứng đáng nhận được lương thực hằng ngày, chúng ta xin Chúa “tha tội cho chúng con, vì chính chúng con cũng tha cho mọi người mắc lỗi với chúng con, và xin đừng để chúng con sa chước cám dỗ” (Lc 11:4).
Lm. Antôn Nguyễn Ngọc Dũng, SDB