Bài đọc 1 thuật lại cho chúng nghe lời giáo huấn của Thánh Phaolô gửi cho Timôthê. Những lời này được chuyển tải trong một lá thơ đầy tình phụ tử, điều chúng ta tìm thấy trong lời mở đầu của lá thư: “Tôi là Phaolô, Tông Đồ của Đức Kitô Giêsu, do ý muốn của Thiên Chúa, chiếu theo lời Thiên Chúa hứa ban sự sống vốn có trong Đức Kitô Giêsu, gửi anh Timôthê, người con yêu dấu. Xin Thiên Chúa là Cha và xin Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, ban cho anh được ân sủng, lòng thương xót và sự bình an” (2 Tm 1:1-2). Sau khi chào hỏi và cầu chúc theo cách thức thông thường của một lá thư, Thánh Phaolô bắt đầu khuyến khích Timôthê sống đúng với ơn gọi của mình theo gương thánh nhân. Nếu chúng ta lưu ý, trong phần khích lệ, Thánh Phaolô mở (2 Tm 1:3) và kết (2 Tm 1:11-12) với chính gương sáng của mình. Còn phần giữa là lời mời gọi Timôthê nhiệt thành làm chứng cho Chúa (1 Tm 1:6-10). Điều chúng ta suy gẫm ở đây là lời mời gọi của Phaolô dành cho Timôthê: “Tôi nhắc anh phải khơi dậy đặc sủng của Thiên Chúa, đặc sủng anh đã nhận được khi tôi đặt tay trên anh. Vì Thiên Chúa đã chẳng ban cho chúng ta một thần khí làm cho chúng ta trở nên nhút nhát, nhưng là một Thần Khí khiến chúng ta được đầy sức mạnh, tình thương, và biết tự chủ. Vậy anh đừng hổ thẹn vì phải làm chứng cho Chúa chúng ta, cũng đừng hổ thẹn vì tôi, người tù của Chúa; nhưng dựa vào sức mạnh của Thiên Chúa, anh hãy đồng lao cộng khổ với tôi để loan báo Tin Mừng” (2 Tm 1:6-8). Trong những lời này, chúng ta nhận ra Thánh Phaolô nhắc nhở Timôthê hai điều, đó là sống đúng với căn tính và ơn thánh mình đã nhận được [nói cách khác là sống đúng với ơn gọi của mình] và không hổ thẹn làm chứng cho Chúa. Khi nối kết hai điều này lại, chúng ta nhận ra rằng khi mình sống đúng, sống thật và sống tốt ơn gọi của mình, chúng ta đã làm chứng cho Chúa. Hãy sống trọn vẹn cho Chúa và anh chị em trong ơn gọi của mình.
Bài Tin Mừng thuật lại cho chúng ta cuộc tranh luận của Chúa Giêsu với những người thuộc nhóm Xađốc về việc người chết sống lại [niềm tin vào sự phục sinh]: “Khi ấy, có những người thuộc nhóm Xađốc đến gặp Đức Giêsu. Nhóm này chủ trương không có sự sống lại” (Mc 12:18-27). Người Xađốc không tin vào sự sống lại vì họ chỉ chấp nhận Ngũ Kinh và từ chối tư tưởng của luật truyền khẩu được thêm vào cho Ngũ Kinh. Chỉ có một vài đoạn trong Cựu Ước nói về sự sống lại từ cõi chết (x. Is 25:8; 26:19; Tv 73:24-25; Đn 12:1-3). Nhưng những bản văn này không thuộc Ngũ Kinh và như thế không được xem là những bản văn chính yếu của niềm tin. Gánh nặng cho Chúa Giêsu ở đây là Ngài phải chỉ ra được rằng giáo huấn về việc sống lại có hiện diện ngay cả trong Ngũ Kinh (x. Mc 12:26). Trong câu hỏi của mình, những người Xađốc giả định rằng Chúa Giêsu chia sẻ niềm tin vào sự sống lại với những người Pharisêu: “Thưa Thầy, ông Môsê có viết cho chúng ta rằng: ‘Nếu anh hay em của người nào chết đi, để lại vợ goá mà không có con, thì người ấy phải lấy nàng, để sinh con nối dòng cho anh hay em mình.’ Vậy có bảy anh em trai. Người thứ nhất lấy vợ, nhưng chết đi mà không có con nối dòng. Người thứ hai lấy bà đó, rồi cũng chết mà không có con nối dòng. Người thứ ba cũng vậy. Cả bảy người đều không có con nối dòng. Sau cùng, người đàn bà cũng chết. Trong ngày sống lại, khi họ sống lại, bà ấy sẽ là vợ của ai trong số họ? Vì cả bảy người đều đã lấy bà làm vợ” (Mc 12:19-23). Như chúng ta đã biết, những người Xađốc từ chối tin vào sự sống lại vì Ngũ Kinh không nói lời nào về việc này. Họ đã trích sách Đệ Nhị Luật (25:5-10) như là bằng chứng không thể chối cãi cho quan điểm của họ và nhằm chỉ ra sự vô lý của những ai tin vào sự sống lại. Động lực cho việc thực hành này là giữ tài sản trong gia đình của người nam. Câu chuyện về bảy người anh em cưới cùng một người vợ ám chỉ sự vô lý của niềm tin vào sự sống lại. Tuy nhiên, cạm bẫy của họ trở thành cơ hội cho Chúa Giêsu dạy về bản chất của sự sống lại (một sự sống rất khác với sự sống trên dương thế). Chi tiết trên dạy chúng ta rằng, có những thứ theo con mắt con người là vô lý, nhưng trước mặt Thiên Chúa thì hoàn toàn có ý nghĩa. Chúng ta thường thấy nhiều thứ chúng ta tin dường như rất vô lý. Sự vô lý ở đây không hệ tại ở bản chất của sự việc hay mầu nhiệm, nhưng hệ tại ở giới hạn trí hiểu của -chúng ta. Đây là điều Chúa Giêsu chỉ ra trong câu trả lời của Ngài. Chúng ta chỉ hiểu được những sự vô lý trong mầu nhiệm Thiên Chúa và trong huyền nhiệm cuộc sống khi chúng ta chìm sâu trong Chúa trong đời sống chiêm niệm và cầu nguyện.
Chúa Giêsu trả lời những người Xađốc theo hai bước, trước tiên khiển trách họ không hiểu về Kinh Thánh và quyền năng Thiên Chúa và chứng minh niềm tin vào sự sống lại hiện diện trong Ngũ Kinh: “Chẳng phải vì không biết Kinh Thánh và quyền năng Thiên Chúa mà các ông lầm sao? Quả vậy, khi người ta từ cõi chết sống lại, thì chẳng còn lấy vợ lấy chồng, nhưng sẽ giống như các thiên thần trên trời. Còn về vấn đề kẻ chết trỗi dậy, các ông đã không đọc trong sách Môsê đoạn nói về bụi gai sao? Thiên Chúa phán với ông ấy thế nào? Người phán: ‘Ta là Thiên Chúa của Ápraham, Thiên Chúa của Ixaác, và Thiên Chúa của Giacóp.’ Người không phải là Thiên Chúa của kẻ chết, nhưng là của kẻ sống. Các ông lầm to!” (Mc 12:24-27). Trong câu trả lời của mình, Chúa Giêsu trước tiên nói đến quyền năng của Thiên Chúa, quyền năng đó chiến thắng sự chết và ban sự sống. Sau đó, Chúa Giêsu chỉ ra niềm tin vào sự phục sinh được ám chỉ trong Kinh Thánh. Theo Chúa Giêsu, sự sống phục sinh sẽ hoàn toàn khác biệt khỏi sự sống thế gian mà ví dụ của những người Xađốc thật sự không hợp lý lắm vì cuộc sống trong sự phục sinh thuộc về quyền năng Thiên Chúa, Đấng chiến thắng sự chết và ban sự sống. Sau khi chỉ ra sự thiếu hiểu biết của những người Xađốc, Chúa Giêsu sử dụng chính hình ảnh quen thuộc với Môsê và người Do Thái trong trình thuật về bụi gai để chứng minh sự sống lại được ám chỉ trong sự kiện đó. Chúa Giêsu trích sách Xuất Hành (3:6,15-16) để chứng minh rằng Thiên Chúa là Chúa của các tổ phụ của người Do Thái. Đây chính là niềm tin được ghi lại trong Ngũ Kinh, những sách mà những người Xađốc xem là quan trọng nhất. Khi khẳng định niềm tin vào Thiên Chúa là Chúa của các tổ phụ, Chúa Giêsu ám chỉ rằng các tổ phụ vẫn đang sống và vẫn tiếp tục mối tương quan với Thiên Chúa. Như vậy, giáo huấn vế sự sống lại là một phần được dạy trong Ngũ Kinh. Chúng ta rút ra được điều gì từ chi tiết này? Thiên Chúa luôn là Thiên Chúa của kẻ sống. Nói cách khác, ở đâu có Thiên Chúa, ở đó có sự sống và sự sống lại. Những nơi không có Thiên Chúa hiện diện, chỉ có sự chết chóc.
Linh mục Antôn Nguyễn Ngọc Dũng, SDB