Suy Niệm Về Thánh Tâm Chúa Giêsu

Tháng sáu, tháng kính THÁNH TÂM CHÚA GIÊSU, Giáo Hội mời gọi mỗi người chúng ta suy niệm về lòng yêu thương vô bờ bến của Thánh Tâm Chúa và đáp trả lại bằng tình yêu mến gắn bó mật thiết với Ngài. Thế nhưng “mức độ yêu mến Chúa là yêu mến không mức độ” (thánh Bênađô), nên người Kitô hữu còn phải tiến xa hơn nữa trong tình mến Chúa và thể hiện qua việc mở rộng tấm lòng đối với tha nhân là hình ảnh của Thiên Chúa.

Anh chị em thân mến,

Trái tim là tượng trưng lòng yêu thương, tỏ cho thấy trái tim là muốn bày tỏ tình mến đối với một ai đó.

Chúa Giêsu sau khi đã làm hết mọi cách để tỏ lòng yêu thương ta: Nhập thể làm người để ở với chúng ta, chịu nghèo nàn thiếu thốn, chịu khinh dể, bắt bớ tra tấn, chịu xử tử nhục nhã, chịu bất động trong tấm bánh nhỏ mọn để nên của ăn nuôi ta. Thế mà người ta vẫn nghi ngờ lòng yêu của Chúa, vẫn thờ ơ và không tin Chúa. Nếu là loài người như chúng ta, bị vong ân phản bội như vậy, ta sẽ trả thù và bỏ mặc, không thèm đoái hoài gì nữa; nhưng Chúa Giêsu thì khác hẳn. Chúa là Thiên Chúa tình thương, Chúa nhân từ đầy tình Hiền Phụ, Chúa lại nghĩ ra một cách mới để chinh phục ta, đó là Chúa đã tỏ Trái Tim Chúa cho ta qua Thánh nữ Margarita Maria Alacoque (1647 – 1690). Trái Tim có ngọn lửa hồng đang cháy và vòng gai quấn chung quanh, làm rỉ máu.

Trái Tim là biểu hiện của lòng yêu, lửa chỉ sự nồng nàn say mến, mũi gai chỉ sự sỉ nhục loài người xúc phạm đến lòng thương vô biên của Chúa.

Anh chị em thân mến,

Không ai diễn tả được lòng người mẹ, người cha thương con thế nào? Thì cũng không ai diễn tả được lòng Chúa yêu ta. Mỗi người Chúa xử một cách khác nhau và Chúa yêu họ trọn vẹn, mà chỉ có họ biết được, cảm thấy được.

Tuy nhiên, ta cũng có thể dựa vào Thánh Kinh để mô tả một đôi chút về lòng Chúa yêu thương ta.

Trong sách tiên tri Hôsê (11, 3-4): “Ta đã bồng bế chúng trên cánh tay Ta. Nhưng chúng nào có biết là chúng đã được Ta săn sóc. Ta lôi kéo chúng, với dây tình người, với thừng chão yêu thương. Với chúng, Ta ở như những người nhấc con đỏ lên tận má mình. Và cúi xuống trên nó, Ta mớm cho nó ăn.”. Thiên Chúa tự ví mình như một người mẹ âu yếm con cái. Chăm sóc con, bồng con trên tay, ấp ủ trong lòng, tập cho con đi, đút cơm cho con ăn. Đó là những cử chỉ quen thuộc của một người mẹ.

Thiên Chúa là một người cha, nhưng lại có tấm lòng của một người mẹ; vì hết mọi quả tim của người mẹ đều bắt nguồn từ Chúa. Và lòng Ngài còn mênh mông hơn lòng một người mẹ. Trong sách tiên tri Isaia (49, 15): “mẹ nào lại quên con đẻ mình, cạn lòng thương đối với con dạ nó mang? Cho dù chúng quên được nữa, thì phần Ta, Ta sẽ không hề quên ngươi!”  Thiên Chúa yêu thương chúng ta như thếá đó. Hơn nữa, Chúa còn mến thương ta với tâm tình người bạn, người anh, người chị, vì mọi tình cảm tốt đẹp của con tim đều kín múc từ Thánh Tâm Chúa.

Trong thư Êphêsô (3, 8-12. 14-19), thánh Phaolô đã xin Thiên Chúa mở lòng trí ta, giúp ta hiểu được phần nào tình yêu mênh mông vô tận của Chúa Kitô. Tình yêu đó vượt quá trí hiểu của chúng ta: nó vừa rộng vừa dài, vừa cao vừa sâu. Xin cho chúng ta hiểu để chúng ta được no thỏa và được tràn đầy sự viên mãn của Thiên Chúa.

Tin Mừng Gioan (19, 31-37) nói đến tình yêu thương đó cụ thể nhất khi thuật lại giờ chết của Chúa Giêsu trên Thập giá. Sau khi chết, trái tim Ngài bị mũi giáo đâm thâu qua. Từ đó nước và máu đã chảy ra cho tới giọt cuối cùng. Trái tim là biểu hiện của tình yêu. Trái tim của Chúa Giêsu là sự hiến thân Tình yêu mà Thiên Chúa dành cho chúng ta. Trái tim đó bị đâm nát, đổ đến giọt máu cuối cùng có nghĩa là Thiên Chúa yêu thương chúng ta trọn vẹn, có thể thương bao nhiêu thì thương bấy nhiêu, cho đi tất cả, hiến dâng tất cả, không giữ gì lại cho  mình.

Quả thật Thiên Chúa đã yêu thương ta như vậy, tới mức đó. Dầu chúng ta như thếá nào, chúng ta vẫn có một chỗ an nghỉ trong trái tim của Thiên Chúa, chúng vẫn được Thiên Chúa yêu thương tối đa. Và cái tối đa của Thiên Chúa thì thật vô cùng vô tận.

Anh chị em thân mến,

Thánh Phaolô khẳng định tình thương của Thiên Chúa vượt quá sự hiểu biết của con người. Tình yêu giữa người với người còn không thế hiểu nổi huống chi tình yêu của Thiên Chúa. Phải cảm nghiệm trước đã rồi mới có thể hiểu được phần nào.

Theo Thánh Gioan, cái không thế hiểu nổi nơi Thiên Chúa là Ngài yêu thương đến nỗi đã ban Con Một Ngài cho trần gian. Còn gì quý hơn Con Một Ngài, thế mà Ngài lại ban cho thế giới. Và khi đã ban Con Một Ngài cho ta thì còn điều gì mà Ngài giữ lại để không ban cho ta nữa. Mọi hồng ân của Thiên Chúa đều được thâu gồm trong Chúa Giêsu. Được Chúa Giêsu là được tất cả.

Người Con Một ấy, để thực hiện ý định yêu thương của Chúa Cha, đã hiến thân làm lễ vật thay cho chúng ta. Đó là tình yêu hiến dâng và cứu chuộc. Một tình yêu đi tới cùng, không nửa vời, chấp nhận mọi hậu quả. Đã yêu thương như vậy thì giá nào cũng sẵn lòng trả. Trong kinh cầu Trái Tim Chúa Giêsu có một câu có vẻ mộc mạc nhưng lại rất sâu sắc:”Trái tim Chúa Giêsu tan nát vì tội lỗi chúng tôi”. Đó là cái giá mà Chúa Giêsu phải trả trên Thập giá vì quá yêu thương.

Thực ra chỉ có Thiên Chúa mới có thể yêu thương tới mức đó. Còn loài người chúng ta dầu có thề thốt gì với nhau đi chăng nữa cũng rất mong manh, chứa đầy bất trắc. Hoặc do lòng người thay đổi, hoặc hoàn cảnh bên ngoài cản ngăn. Tình yêu của loài người dầu mãnh liệt khiến sông sâu cũng lội núi cao cũng trèo vẫn là tương đối, có giới hạn, nhiều kẽ hở, lắm rủi ro, có lúc yếu đuối. Biết bao tình yêu tưởng chừng thách thức thời gian, nhưng lại bị thời gian làm sói mòn, phai nhạt, rồi đi tới tan vỡ.

Anh chị em thân mến,

Ngày nay ở trên trời, Chúa vẫn thổn thức dấu yêu, theo dõi ta như xưa Chúa đã khóc trên mộ phần Lazarô, vì thương hại bà chị có đứa em trai chết; như Chúa đã xúc động trước tâm tình thống hối của người phụ nữ ngoại tình trở lại, đã lấy thuốc thơm xức đầu Chúa, lấy nước mắt rửa chân Chúa và lấy tóc lau chân Ngài. Mắt Chúa sáng lên, lòng Chúa hồi hộp khi Chúa ẵm bế các em nhỏ ngây thơ, trong trắng. Chúa bồi hồi, tim đập dồn khi nghĩ tới cuộc ly biệt các môn đệ thân yêu. Nên trong giâây phút yêu đương ấy, Chúa đã vĩnh viễn ở lại trong hình bánh để làm tù nhân tình yêu. Ngày nay trong các nhà chầu, Chúa vẫn có mặt ở đó, theo dõi chúng ta bằng ánh nhìn thần linh yêu đương mọi giây phút, lúc ta mãi mê công việc cũng như khi ta giải trí vui đùa. Chúa đau cái đau của ta, khổ cái khổ của ta.

Chúa vui khi ta vui, Chúa buồn khi ta sầu tủi, vì Chúa đồng hoá với ta mỗi khi ta rước lấy Ngài. Chúa tự ví mình như người mẹ đau đớn khi sinh con, và vui mừng khi đứa nhỏ chào đời. Chúa tự sánh với người cha tựa cửa, đỏ mắt chờ đứa con phung phá trở về. Chúa tự ví mình như người mục tử  tận tuỵ với đàn chiên, như người làm vườn chăm sóc cây cối ông ươm trồng, vén từng cái lá để bắt sâu bọ, uốn ngọn cây non để tạo nên vóc nên hình. Chúa tự xưng là dòng nước trong mát cho ta uống no thỏa và tắm rửa mát mẻ, như con đường cho ta đi, như ánh sáng dẫn bước ta đi trong đêm tối. Đã yêu thì có muôn vàn cách diễn tả: Chúa còn tự trở nên bánh cho ta ăn, rượu cho ta uống. Chúa muốn trở nên tình quân để cưới lấy linh hồn ta, đưa ta vào tiệc cưới thiên quốc. Suy ngắm kỹ kinh Lạy Cha, ta thấy Chúa muốn làm bà mẹ hiền, làm người cha quý, muốn ôm ta vào lòng, ghì chặt ta trên đầu gối Ngài và thề hứa không bao giờ bỏ ta.

Anh chị em thân mến.

Đầu tháng sáu năm 1250, khi vua Louis IX đi kinh lý các miền trong nước Pháp. Dân chúng tỉnh Maseilles đã cùng nhau đóng góp công của để dâng cho nhà vua một lễ vật đầy ý nghĩa. Và hôm ấy, khi vua đến, dân chúng đều tập họp đông đủ. Họ đề cử một cô thiếu nữ dâng lên nhà vua một quả tim bằng vàng. Bên trong có ngành bông huệ kết bằng kim cương rất quí, là biểu tượng của các vua nước Pháp và có khắc mấy hàng chữ : “Đây là bằng chứng toàn dân tỉnh Marseilles yêu vua Louis, và họ luôn đặt vua trong trái tim họ”. Nhận được lễ vật và nhận thấy dòng chữ trên, vua Louis IX hết sức cảm động, nhà vua cũng đặt tay lên trái tim và nói: “Đây là bằng chứng vua Louis yêu thương quốc dân Pháp, và luôn đặt họ trong trái tim vua”.

Câu truyện trên đây rất hợp với lời thơ của thi sĩ Xuân Ly Băng, đã sáng tác, để diễn tả Tình yêu như thế này:

“Làm sao cắt nghĩa được tình yêu,

Chỉ nhớ hôm xưa, một buổi chiều,

Nhận được món quà cao giá lắm.

Bây giờ hiểu đó là tình yêu”

Nghĩa là tình yêu chỉ cắt nghĩa được bằng những điệu bộ, cử chỉ bên ngoài; một món quà trao tặng người mình thương là tình yêu; một nụ cười biểu lộ với người mình thương là tình yêu; một cử chỉ âu yếm đối với người mình thương là tình yêu; những hy sinh giúp đỡ người mình thương cũng là tình yêu. Vì vậy, để diễn tả tình yêu Chúa Giêsu đã phán với thánh nữ Margarirta Alacoque: “đây là trái tim đã thương yêu loài người vô cùng. Không tiếc gì với họ”. Thực thế Chúa Giêsu không tiếc gì với loài người. Chúa đã dựng nên con người giống hình ảnh Chúa. Khi con người sa ngã, Chúa đã bỏ trời, xuống trần gian ở với con người. Chúa đã làm bao nhiêu phép lạ để cứu giúp con người cả hồn lẫn xác. Chúa đã dạy cho con người nhận biết Thiên Chúa là cha. Chúa còn chịu chết chuộc tội con người, để đưa họ lên thiên đàng với Thiên Chúa, nên Chúa đã tuyên bố: “Không có tình thương nào cao cả hơn tình thương của người đã hy sinh tính mạng vì bạn hữu mình” (Gioan 15, 13).

Anh chị em thân mến.

Ôi! Ta biết nói thế nào về lòng yêu vô bờ, vô bến của Chúa chúng ta? Rất tiếc là con người chúng ta quá cứng lòng, hồ nghi tình Chúa, lấy tấm lòng hạn hẹp của ta để đo lòng Chúa. Họ không dám phó thác trọn vẹn cho Chúa, coi ý họ hơn ý Chúa, và như thế Chúa phải đau đớn xót xa chừng nào?

Chúng ta xin nhờ Trái Tim Mẹ Maria, với những tâm tình nóng bỏng của Mẹ, để yêu Chúa mỗi giây phút đời ta. Xin cho chúng ta luôn luôn lập đi lập lại hàng ngàn lần “con yêu mến Chúa” cho đến lúc ta lìa đời để được mến yêu muôn đời trên quê thật. Amen

P.K.M. CMC

Trích từ Bản Tin Hiệp Thông Hội dòng Mến Thánh Giá Huế, 6.2020