“Vì lòng kính sợ Đức Kitô, anh em hãy tùng phục lẫn nhau” (Ep 5, 21).
LÝ TƯỞNG: Thiên Chúa là Đấng tạo thành và Chủ tể vạn vật, là Đấng đã để cho Con của Người chết thay cho mọi người; vậy nên, những ai đang sống thì không còn sống cho mình nữa nhưng sống cho Thiên Chúa (x. 2Cr 5, 15). Lời khấn vâng phục của tu sĩ là lời đáp trả của con người đã nhận ra quyền tối thượng của Thiên Chúa trên cuộc đời mình. Khi cam kết hiến trọn ý chí và tự do cho Thiên Chúa, họ tự nguyện trao lại cho Chúa con người và cuộc sống vốn thuộc quyền của Chúa, để được sử dụng theo ý muốn của Ngài, qua trung gian nhân loại là tu luật và Bề trên hợp pháp.[1]
THÁCH ĐỐ: Theo khuynh hướng tự nhiên, những khuyết điểm và lầm lỗi hiển nhiên của Bề trên có thể khiến chúng ta cảm thấy khó khăn khi vâng phục, thậm chí khiến chúng ta chất vấn về tư cách đại diện Thiên Chúa. Trước cám dỗ đó, chị em chúng ta hãy nhớ rằng: Giáo luật và Hiến chương truyền dạy chúng ta phải tỏ lòng khiêm tốn kính trọng và vâng phục Bề trên hợp pháp trong những điều đúng với luật Chúa và luật Dòng, mà không kèm theo điều kiện nào về phẩm chất của Bề trên.[2] Hẳn nhiên, Bề trên khôn ngoan và nhân đức thì sẽ là người biết hướng dẫn và truyền cảm hứng cho chị em trong đời sống vâng phục. Dầu vậy, nếu để cho sự vâng phục bị giới hạn bởi con người của Bề trên thì chúng ta đang đánh mất chiều kích đức tin mà lời khấn này đòi buộc. Theo gương Đấng Chịu-Đóng-Đinh và Đấng Sáng lập, chúng ta học vâng phục từng ngày qua đau khổ, nghĩa là qua những tình huống hoặc những con người không mấy thuyết phục xét theo lẽ tự nhiên. Sự vâng phục của chúng ta phải là hành vi của đức tin: Chúng ta vâng phục vì Chúa, không vì những động lực phàm nhân; chúng ta vâng phục vì muốn sống theo ý Chúa, không phải theo lí trí tự nhiên của chúng ta.
MỜI GỌI: Chị em sẵn lòng hy sinh ý riêng và hoạch định cá nhân để tuân theo ý Chúa qua tu luật và Bề trên.
NGUYỆN CẦU: Lạy Chúa Giêsu Kitô Chịu-Đóng-Đinh, con người và cuộc sống con là thuộc quyền của Chúa. Xin cho con biết trao lại cho Chúa từng ngày và suốt đời, để tùy Chúa sử dụng theo Thiên ý và cho kế hoạch cứu độ của Ngài.
SUY TƯ
Lời khấn vâng phục và sự trao phó bản thân
“Cam kết mà thôi thì chưa đủ. Cam kết thì khác với việc trao phó bản thân, vì bạn có thể cam kết với một người nhưng chưa hẳn trao phó bản thân cho người đó…
Giây phút có ý nghĩa nhất và cũng là hành động có ý nghĩa nhất trong đời là khi bạn trao phó bản thân cho Thiên Chúa, cùng đích tối hậu của mình…Những điều bạn hết lòng gắn bó như cùng đích tối hậu, dù tốt lành đến mấy đi nữa, nhưng không phải là Thiên Chúa, thì bạn cũng sẽ thất vọng. Khi bạn phó mình cho Thiên Chúa là bạn phó mình cho mục đích mà bạn được dựng nên, là phó mình cho số phận và làm cho bản thân trở nên trọn vẹn. Khi bạn thuộc về Thiên Chúa, mọi sự sẽ thuộc về bạn.
Nếu bạn không trao phó cho Thiên Chúa, bạn đừng nghĩ là mình chẳng trao phó bản thân cho ai cả. Mỗi người đều trao phó bản thân cho một đối tượng nào đó. Có người trao phó bản thân cho Thiên Chúa. Có người trao phó bản thân cho một ai hay một điều nào đó. Tất cả chúng ta đều trao phó bản thân, ngay từ khi tế bào tinh trùng và tế bào trứng trao phó cho nhau để hình thành một sự sống mới, cho đến khi thân xác chúng ta được trao phó cho phần mộ…
Khi bạn trao phó bản thân cho Thiên Chúa, bạn đang hoàn thành mục đích mà Chúa Kitô nhắm đến khi Người chết cho bạn: “Đức Kitô đã chết thay cho mọi người, để những ai đang sống không còn sống cho chính mình nữa, mà sống cho Đấng đã chết và sống lại vì mình” (2 Cr 5, 15)”.[3]
- Tôi đang theo đuổi những khát mong của riêng mình hay theo đuổi nỗi khát mong của Đấng mà tôi đã cam kết hiến dâng trọn vẹn con người tôi và cuộc sống tôi cho Ngài?
[1] x. DT 14; CT 27; Huấn thị “Quyền Bính và Vâng phuc”, số 9; Elio Gambari, Đời Tu Dưới Ánh Sáng Công Đồng Vaticano II và Giáo Luật, tr. 407
[2] x. GL 601; HC 31; HC 33
[3] Felix Podimattam, Vâng Phục Đời Sống Thánh Hiến, Nguyễn Ngọc Kính chuyển ngữ (Nhà xuất bản Đồng Nai: Đồng Nai, 2020), 147. 153-154
Ban Linh Đạo Hội dòng