Suy Niệm Lời Chúa – Thứ Tư sau Chúa Nhật XX Thường Niên – Sống Quảng Đại Yêu Thương Như Chúa

(Ed 34:1-11; Mt 20:1-16a)

Đức Chúa, qua miệng ngôn sứ Êdêkien, hạch tội và lên án các mục tử chăn dắt dân Israel. Họ bị lên án là vì họ chỉ lo cho chính mình mà không chăm sóc đàn chiên như Đức Chúa muốn: “Khốn cho các mục tử Israel, những kẻ chỉ biết lo cho mình! Nào mục tử không phải chăn dắt đàn chiên sao? Sữa các ngươi uống, len các ngươi mặc, chiên béo tốt các ngươi làm thịt; nhưng các ngươi lại không lo chăn dắt đàn chiên. Chiên đau yếu, các ngươi không làm cho mạnh; chiên bệnh tật, các ngươi không chữa cho lành; chiên bị thương, các ngươi không băng bó; chiên đi lạc, các ngươi không đưa về; chiên bị mất, các ngươi không chịu đi tìm. Các ngươi thống trị chúng một cách tàn bạo và hà khắc. Chiên của Ta tán loạn vì thiếu mục tử và biến thành mồi cho mọi dã thú, chúng tán loạn. Chiên của Ta tản mác trên các ngọn núi, trên mọi đỉnh đồi. Chiên của Ta tản mác trên khắp mặt đất, thế mà chẳng ai chăm sóc, chẳng ai kiếm tìm” (Ed 34:2-6). Đọc những lời này, ai trong chúng ta không khỏi bàng hoàng lo sợ vì chúng ta nhận ra đây chính là hình ảnh của chính mình. Nhiều lần trong ngày sống, chúng ta chỉ lo lắng quan tâm đến nhu cầu hoặc cảm xúc của chính mình mà trở nên vô cảm trước những nhu cầu và cảm xúc của người khác. Chúng ta đã không chăm sóc cho anh chị em mình như Thiên Chúa hằng thương và chăm sóc chúng ta. Chúng ta cần ý thức rằng các anh chị em đang sống với mình là những “chiên” mà Đức Chúa giao phó cho chúng ta chăm sóc. Họ thuộc về Đức Chúa. Vì vậy chúng ta phải chăm sóc họ như chính Đức Chúa đang chăm sóc họ vậy: “Quả thật, Đức Chúa là Chúa Thượng phán thế này: Đây, chính Ta sẽ chăm sóc chiên của Ta và thân hành kiểm điểm” (Ed 34:11). Nói cách khác, chúng ta phải chăm sóc anh chị em mình thế nào để qua sực chăm sóc của mình người khác cảm nghiệm được tình yêu vô điều kiện của Thiên Chúa dành cho họ.

Trong Tin Mừng Thánh Matthêu, chúng ta cũng tìm thấy một dụ ngôn về vườn nho trong chương kế tiếp (21:33-34). Bài Tin Mừng hôm nay liên kết với những bài Tin Mừng chúng ta đã đọc trong những ngày trước làm sáng tỏ đề tài phần thưởng dành cho những môn đệ Chúa Giêsu và sự đảo ngược về vận mệnh của những người trước hết sẽ nên sau hết và những người sau hết sẽ nên trước hết. Tuy nhiên, trong dụ ngôn này, Thánh Mátthêu đưa một đề tài mới vào trong phần thưởng dành cho những người theo Chúa Giêsu, đó là sự quảng đại của Thiên Chúa.

Hình ảnh đầu tiên mà chúng ta lưu ý là “vườn nho.” Đây là biểu tượng cho dân Israel (x. Is 5; Gr 2:10). Nhìn từ bối cảnh này, chúng ta thấy Chúa Giêsu nói đến việc “mướn” nhiều người để “sai đến với những con chiên lạc Israel.” Sau khi đã thoả thuận với thợ mỗi ngày một quan tiền, đây là tiền công bình thường cho một ngày làm công trong thời gian đó (x. Mt 20:2). Người chủ thuê người làm vào lúc 6g sáng, 9g sáng, 12g trưa, 3g chiều, và 5g chiều. Trong khoảng thời gian đó, những người tìm việc làm thường đứng ở các ngã ba đường hoặc chợ để mong được thuê làm. Tuy nhiên, chúng ta cần lưu ý sự khác biệt ở đây là vấn đề tiền công. Đối với những người làm công được thuê ngay từ đầu ngày là có thoả thuận một quan tiền; còn những người được thuê từ 9g sáng đến 5g chiều thì tiền công không được đưa ra để thoả thuận, nhưng lệ thuộc vào người chủ. Ông chỉ hứa là “sẽ trả cho các anh hợp lẽ công bằng” (Mt 20:5). Như chúng ta biết, ngày sống của người Do Thái bắt đầu lúc 6g sáng và kết lúc 6g tối. Như vậy, những người làm từ 6g sáng phải làm 12 tiếng, còn những người được thuê làm sau chỉ làm 9 tiếng, 6 tiếng, 3 tiếng hoặc chỉ 1 tiếng. Điều này là lý do tại sao những người làm 12 tiếng phàn nàn vì ông chủ trả công không theo lẽ “công bằng.” Vì nếu theo lẽ công bằng, họ làm nhiều hơn sẽ nhận được nhiều hơn. Nhưng họ quên rằng tiền công của họ không được hứa trả theo lẽ công bằng, nhưng theo “thoả thuận.” Đây chính là thái độ của nhiều người trong chúng ta. Nhiều lần, chúng ta đến với Chúa và “bắt” Chúa phải trả cho mình theo lẽ công bằng: con làm nhiều thì con phải được nhận lại nhiều. Con đi lễ nhiều, làm việc tốt nhiều thì con phải được thưởng nhiều. Thái độ này đã đặt giới hạn cho tình yêu và sự quảng đại của Thiên Chúa. Đồng thời cũng chỉ rõ ý hướng làm việc của chúng ta là chỉ để được thưởng hầu có thể so sánh với người khác là mình đã làm hơn người khác. Hãy chú tâm làm việc và để việc thưởng công cho Đức Chúa. Đừng so sánh và tức giận, nhưng biết tìm vui trong những gì nhỏ bé mình nhận được.

Một chi tiết khác chúng ta có thể suy gẫm là: “Khoảng giờ mười một, ông trở ra và thấy còn có những người khác đứng đó, ông nói với họ: ‘Sao các anh đứng đây suốt ngày không làm gì hết?’ Họ đáp : ‘Vì không ai mướn chúng tôi.’ Ông bảo họ : ‘Cả các anh nữa, hãy đi vào vườn nho!’” (Mt 20:6-7). Những lời này cho chúng ta thấy họ muốn làm việc, nhưng lại không được ai thuê mướn. Chi tiết này biện minh cho việc “sao các anh đứng đây suốt ngày.” Điều Mátthêu ám chỉ ở đây là để dạy các tín hữu trong cộng đoàn mình về giá trị của làm việc: có một việc làm, dù nhỏ mọn hay ngắn ngủi cũng tốt hơn là không có gì để làm hay không chịu làm gì [lười biếng]. Chi tiết này nhắc nhở chúng ta về thái độ trước công việc. Ai cũng muốn có việc lớn, việc tốt, còn những việc tầm thường chẳng mấy ai thích. Thánh Mátthêu dạy chúng ta rằng: điều quan trọng không phải loại việc tôi làm, nhưng là thái độ làm việc của tôi. Sự vĩ đại của công việc hệ tại ở chỗ biết nhìn công việc mình như là sự đáp trả lời mời gọi vào làm trong vườn nho của Thiên Chúa, làm việc Chúa trao, chứ không phải là làm việc mình thích, theo giờ mình thích.

Câu 8 và 9 là những câu chuyển tiếp và là bối cảnh để giải thích những gì đi theo sau: “Chiều đến, ông chủ vườn nho bảo người quản lý: ‘Anh gọi thợ lại mà trả công cho họ, bắt đầu từ những người vào làm sau chót tới những người vào làm trước nhất.’ Vậy những người mới vào làm lúc giờ mười một tiến lại, và lãnh được mỗi người một quan tiền.” Đúng ra nếu ông chủ trả tiền cho những người vào làm trước và họ đi về thì không có vấn đề “cằn nhằn.” Tuy nhiên, điều này xảy ra để hoàn thành điều Chúa Giêsu nói trong câu cuối của chương 19 (câu 30) và cũng là câu cuối của bài Tin Mừng hôm nay: “Thế là những kẻ đứng chót sẽ được lên hàng đầu, còn những kẻ đứng đầu sẽ phải xuống hàng chót” (Mt 20:16a). Chi tiết này cho thấy cách thức ông chủ làm việc khác với cách thức mà những người làm công thường nghĩ đến. Vì cách thức làm việc “kỳ quặc đó” mà những người làm trước nhất lẩm bẩm, khó chịu và cằn nhằn với ông chủ: “Mấy người sau chót này chỉ làm có một giờ, thế mà ông lại coi họ ngang hàng với chúng tôi là những người đã phải làm việc nặng nhọc cả ngày, lại còn bị nắng nôi thiêu đốt” (Mt 20:12). Những lời này nhắc nhở chúng ta rằng trong cuộc sống khi không hiểu được đường lối của Thiên Chúa, chúng ta cũng thường lẩm bẩm, khó chịu, và cằn nhằn với Chúa. Nhiều người mất cả niềm tin vì họ không thể chấp nhận đường lối “bất công” của Thiên Chúa. Nhưng ông chủ cho thấy, ông không bất công với họ vì ông trả cho họ đúng với khoản tiền cả hai bên đã đồng ý: “Này bạn, tôi đâu có xử bất công với bạn. Bạn đã chẳng thoả thuận với tôi là một quan tiền sao?” (Mt 20:13). Thiên Chúa không bao giờ đối xử bất công với chúng ta, vì Ngài “công bình” và giàu tình thương. Điều làm cho những người đến làm trước cảm thấy tức giận với ông chủ là vì họ “mong chờ điều không phải của họ.” Khi chúng ta mong chờ điều không phải là của mình thì chúng ta sẽ dễ dàng thất vọng vì chúng ta sẽ không bao giờ có được điều đó. Thái độ này hoàn toàn trái ngược với thái độ những người vào làm sau. Họ không mong chờ. Họ hoàn toàn dựa vào sự quảng đại của ông chủ và họ nhận được khoản tiền công vượt sự mong chờ của họ. Khi đến với Chúa, chúng ta ai cũng có mong ước. Nhưng điều quan trọng là liệu sự mong ước của chúng ta có giống với sự mong ước của Chúa cho chúng ta không? Hãy để sự mong ước của chúng ta tan biến trong sự mong ước của Chúa, vì sự mong ước của Ngài luôn luôn tốt hơn và hoàn hảo hơn cho cuộc đời của chúng ta.

Lm. Antôn Nguyễn Ngọc Dũng, SDB