Suy Niệm Lời Chúa – Thứ Năm sau Chúa Nhật II Thường Niên – Chạm Vào Chúa Để Được Chữa Lành

(Hr 7:25 – 8,6; Mc 3:7-12)

Cùng với Giáo Hội, hôm nay chúng ta kính nhớ Thánh Phanxicô Salê, giám mục và tiến sĩ Hội Thánh. Ngài sinh ra trong một gia đình quý tộc rất đạo đức gần Annecy vào năm 1566. Ngài rất thành công trong việc học ở Paris và Padua. Khi trở về quê nhà, ngài từ bỏ nghề nghiệp mà cha của ngài đã sắp xếp cho ngài để trở thành một linh mục. Khi Bá Tước của Savoy quyết định khôi phục lại Giáo Hội ở Chablais, Phanxicô dấn thân cho công việc. Ngài bắt đầu hành trình của ngài với cuốn một kinh thánh, cuốn sách kinh nhật tụng và một người bạn đồng hành là em họ của mình. Đây là công việc với nhiều khó khăn, chối từ và nguy hiểm. Mọi cửa nhà và con tim đều đóng kín không đón nhận ngài. Ngài bị từ chối với những lời sỉ nhục và đe doạ bị giết. Nhưng không gì có thể cản trở ngài tiến bước. Thánh nhân đã đem 72 ngàn người trở lại với Chúa. Ngài được bổ nhiệm làm giám mục Genova năm 2602. Với sự dịu hiền của mình, thánh nhân đã đón nhận những người lạc giáo và tội lỗi đến nỗi điều này làm cho bạn bè của ngài buông lời gièm pha: “Dĩ nhiên, Phanxicô sẽ lên thiên đàng; nhưng tôi không biết chắc giám mục của Genova có được lên không: Tôi sợ rằng sự dịu hiền của vị giám mục này sẽ mang lại cho mình một kết cục bi thảm.” Trước những lời đó, thánh nhân điềm tĩnh trả lời: “Ah, tôi xin Thiên Chúa ban cho tôi sự dịu hiền hơn là cách đối đãi khắc nghiệt. Không phải Thiên Chúa là Đấng đầy yêu thương sao? Chúa Cha là Đấng đầy lòng thương xót; Chúa Con là Chiên Thiên Chúa; Chúa Thánh Thần là con Bồ Câu – đó chính là sự dịu hiền. Và bạn không ngoan hơn Thiên Chúa sao? Ngài qua đời vào năm 1622 tại Avignon. Học ở thánh nhân, chúng ta xin Chúa ban cho chúng ta sự dịu hiền, để từ lời ăn tiếng nói đến cử chỉ hành động của chúng ta thấm đượm tình yêu đầy ngọt ngào và dịu hiền của Thiên Chúa cho người khác.

Một trong những câu hỏi làm cho nhiều người khắc khoải là: Chúng ta sinh ra trong đời này để làm gì? Đây là câu hỏi liên quan đến ý nghĩa của cuộc đời mỗi con người. Nói cách khác, câu trả lời của vấn nạn trên là kim chỉ nam cho cuộc đời của mỗi người khi đến trong thế gian này. Lời Thánh Vịnh trong đáp ca hôm nay là câu trả lời hay và đúng nhất cho tất cả những ai [nhất là những người sống đời thánh hiến] tin vào Thiên Chúa: Lạy Chúa, này con xin đến để thực thi ý Ngài. Chúng ta tin rằng: Chúng ta đến trong thế gian này do ý muốn của Thiên Chúa. Theo các giáo phụ và giáo huấn của Giáo Hội, chỉ có con người trong các tạo vật được Thiên Chúa dựng nên cho chính nó. Như vậy, mục đích và ý nghĩa của sự sống con người chỉ tìm thấy trong Thiên Chúa mà thôi. Tuy nhiên, chúng ta thường đi tìm ý nghĩa của đời mình trong những tạo vật chóng qua. Những tạo vật này chỉ mang lại cho chúng ta một hạnh phúc chóng tàn. Và lòng chúng ta sống trong khắc khoải và trống vắng. Chỉ những ai tìm kiếm và thực thi ý Chúa cho cuộc đời của mình mới tìm thấy được hạnh phúc viên mãn.

Đề tài về sự khác biệt giữa chức vụ thượng tế của Chúa Giêsu và các thượng tế khác được tác giả thư Do Thái tiếp tục trong bài đọc 1 ngày hôm nay: “Đức Giêsu không như các vị thượng tế khác: mỗi ngày họ phải dâng lễ tế hy sinh, trước là để đền tội của mình, sau là để đền thay cho dân; phần Người, Người đã dâng chính mình, và chỉ dâng một lần là đủ. Vì Luật Môsê thì đặt làm thượng tế những con người vốn mỏng giòn yếu đuối, còn lời thề có sau Lề Luật, lại đặt Người Con đã nên thập toàn cho đến muôn đời” (Dt 7:27-28). Theo tác giả thư Do Thái, Chúa Giêsu là mẫu gương thánh thiện và thập toàn cho chúng ta. Ngài không phạm tội như các thượng tế phàm nhân, nhưng Ngài chấp nhận hiến thân mình làm của lễ đền tội cho mọi người. Con chúng ta thì sao? Chúng ta có đủ can đảm để hiến thân làm của lễ đền tội cho những người làm chúng ta đau khổ, những người xúc phạm chúng ta không? Những ai nói “xin lỗi” sau khi phạm lỗi là những người sống theo bổn phận và đức công bằng. Những người nói “xin lỗi” khi người khác xúc phạm đến mình vì không muốn đánh mất mối tương quan đã được xây dựng là những người sống theo tình yêu và con tim của Chúa.

Một điểm khác mà bài đọc 1 hôm nay nói cho chúng ta là công việc của vị thượng tế: Trở thành trung gian giữa Thiên Chúa và con người. Hay nói cách khác, công việc chính của thượng tế là chuyển cầu cho con người: “Đức Giê-su được một tác vụ cao trọng hơn, bởi vì Người là trung gian của một giao ước tốt đẹp hơn; giao ước này căn cứ vào những lời hứa tốt đẹp hơn” (Dt 8:6). Qua Bí Tích Rửa Tội, chúng ta cũng được chia sẻ trong công việc trung gian của Chúa Giêsu. Như vậy, khi một người anh chị em của chúng ta lỗi phạm, chúng ta không kết án, không khó chịu, không tức giận và không loại bỏ. Nhưng chúng ta khẩn cầu cho người đó trước toà Thiên Chúa để họ được Chúa xót thương và tha thứ. Để thực hiện công việc chuyển cầu này, giống như Chúa Giêsu, chúng ta cần sở hữu những phẩm chất sau: thánh thiện, vẹn toàn, vô tội, tách biệt khỏi đám tội nhân và được nâng cao vượt các tầng trời (Dt 7:26).

Bài Tin Mừng hôm nay là bản tóm tắt mang tính chuyển tiếp của Thánh Máccô. Một cách cụ thể, Thánh Máccô sử dụng đoạn Tin Mừng hôm nay để chuyển từ đề tài chữa bệnh và tranh luận với các biệt phái sang đề tài dùng dụ ngôn và trừ quỷ để giảng dạy các môn đệ và dân chúng. Trong bản tóm tắt này, chúng ta thấy thái độ đón nhận Chúa Giêsu của dân chúng hoàn toàn trái ngược với thái độ từ chối và tìm cách loại bỏ của các biệt phái và kinh sư. Đối với dân chúng, Chúa Giêsu được đón nhận như một “thầy thuốc” – Đấng chữa lành tất cả những ai đến với Ngài. Trong bản tóm tắt này chúng ta có thể nhận ra ba điểm quan trọng mà Thánh Máccô muốn nói đến: (1) Chúa Giêsu có một năng lực hấp dẫn đặc biệt đến nỗi nhiều người từ nhiều miền khác nhau đến với Ngài (Mc 3:7-8); (2) Ngài dặn các môn đệ dành sẵn một chiếc thuyền nhỏ để Ngài không bị chen lấn bởi những bệnh nhân đổ xô đến để sờ vào Ngài (Mc 3:9-10); (3) Chúa Giêsu ra lệnh cho các thần ô uế không được tiết lộ chân tính của người (Mc 3:11-12). Từ ba điểm này, chúng ta rút ra được ba bài học sau:

(1) Chúa Giêsu có một sức hấp dẫn đặc biệt: “Từ miền Ga-li-lê, người ta lũ lượt đi theo Người. Và từ miền Giu-đê, từ Giê-ru-sa-lem, từ xứ I-đu-mê, từ vùng bên kia sông Gio-đan và vùng phụ cận hai thành Tia và Xi-đôn, người ta lũ lượt đến với Người, vì nghe biết những gì Người đã làm” (Mc 3:7-8). Người ta đến với Chúa Giêsu từ mọi ngả [chỉ có Samaria không được đề cập ở đây; còn vùng thập tỉnh sẽ được giữ lại đến chương 5]. Sự khác biệt ở đây là: Chúa Giêsu đến với các môn đệ, còn dân Chúa đến với Chúa Giêsu. Chúng ta thấy, Chúa Giêsu trở thành trung tâm của sự hấp dẫn. Sự hấp dẫn của Chúa Giêsu không đến từ những gì người nói, nhưng từ những gì người đã làm. Hành động “nói” lớn hơn lời nói. Hãy để cho lời nói dạy và hành động làm chứng!

(2) Chúa Giêsu dặn “các môn đệ dành sẵn cho Người một chiếc thuyền nhỏ, để khỏi bị đám đông chen lấn.” Ngài muốn có một chỗ riêng với các môn đệ, trong lòng từng môn đệ. Ngài muốn một chỗ nhỏ nơi mà Ngài có thể một mình với các môn đệ mà không bị ai quấy rầy, chen lấn. Chúng ta có dành một chỗ như thế cho Ngài trong con tim, trong công việc, trong thời khoá biểu hằng ngày của chúng ta không?

(3) Chúa Giêsu ra lệnh cho các thần ô uế không được tiết lộ chân tính của Người. Điều này, như chúng ta đã biết, là “bí mật của Đấng Messiah.” Tuy nhiên, thái độ không “phô trương” của Chúa Giêsu là điều chúng ta học hỏi trong điểm này. Quyền năng của Ngài trên các thần ô uế nói đến chiến thắng của Ngài trên sự dữ. Nhưng Ngài không vì chiến thắng này mà trở nên tự mãn. Ngài biết rằng sự dữ chỉ có thể chiến thắng bằng tình yêu tự hiến trên thập giá chứ không phải bằng việc chữa lành thể lý. Chiến thắng lớn nhất trong đời của chúng ta là: Làm điều tốt cho người những người làm chúng ta tổn thương – đây là “bí mật của Đấng Messiah.”

Lm. Antôn Nguyễn Ngọc Dũng, SDB