Bài 10. Ưu Tiên Việc Giáo Dục Trẻ Em Trong Sứ Vụ Tông Đồ

Một trong những lãnh vực mà cha Lambert đóng vai trò khai sáng, ít được biết đến nhưng có tính quyết định, đó là lãnh vực giáo dục bình dân. Ngay khi biết tin mình được bổ nhiệm lo cho Trung tâm Xã hội, ngài đã chạy tới cầu nguyện với Đức Bà Giải Cứu, gửi gắm cho Người sứ mạng mới của ngài đối với trẻ em, vì ngài ý thức rằng:“Chúa Thánh Thần muốn ngài yêu thương chúng với tấm lòng của một người cha, ngài phải cố làm sao cho chúng biết kính sợ Thiên Chúa và phải kiến tạo bầu khí yêu thương, ở trong và ngoài Trung tâm, giữa những người thuộc quyền ngài, bằng cách làm bạn với họ và chứng tỏ mình thật lòng tôn trọng họ”[1]. Có thể ngài nhớ lại chuyện hồi nhỏ khi ngài thử làm việc truyền giáo bằng cách cho các trẻ em ở thôn quê quà để khuyến khích chúng nghe giáo lý. Lòng sùng kính Chúa Giêsu Hài Đồng mà ngài muốn phổ biến ở Rouen, càng giúp ngài nhạy cảm hơn với trẻ em, là những kẻ yếu thế nhất trong số những người nghèo, vì chúng dễ bị tổn thương cả về thể chất lẫn tinh thần. Trung tâm xã hội Rouen còn là một địa bàn thuận lợi, được chuẩn bị từ lâu, để tính năng động và tinh thần sáng tạo của cha Lambert sẽ làm nảy sinh những hoa trái đầy hứa hẹn trong tương lai, nơi miền truyền giáo ngài sẽ đặt chân đến.
Cha Pierre Lambert quan tâm cách riêng việc giáo dục các trẻ nữ, ngài kêu gọi các Nữ Tử Thánh Giá, hội các thiếu nữ và các quả phụ do Bá tước de Villeneuve mới thành lập năm 1640, họ cống hiến đời mình cho việc dạy dỗ các bé gái. Nhân một chuyến đi Paris vào năm 1657, cha Pierre Lambert đã xin được hai cô giáo về làm việc tại Trung tâm Xã hội. Hai năm sau, theo lời yêu cầu của người bảo trợ là bá tước d’Aiguillon, ngài gửi họ tới Havre để lập một trường mới, rồi trao lại cho một chị Bề trên được họ đào tạo trước khi trở lại Rouen[ 2].
Lạy Chúa, khi đi rao giảng Tin Mừng, Chúa đã bảo các môn đệ: “Hãy để cho các trẻ nhỏ đến với Thầy, đừng ngăn cấm chúng”. Xin cho chúng con biết thi hành sứ vụ giáo dục trẻ nhỏ với những tâm tình yêu thương của người môn đệ Chúa Giê-su như Đấng Sáng lập đã nêu gương.

  1. J.C BRISACIER, sđd, số 86.
  2. x. F. FAUCONNET- BUZELIN, Người cha bị lãnh quên của công cuộc truyền giáo hiện đại, sđd, trang 144-146.

    Trích Tập Sách “52 Bài Đọc Thiêng Liêng về Đức Cha Lambert de la Motte“


    Ban Linh Đạo Hội Dòng Mến Thánh Giá Huế