Cuộc Đối Thoại Giữa Đức Tin Và Khoa Học Theo Tinh Thần Laudato Si’

Cùng đưa hai người lại để đối thoại trên một diễn đàn: một người từ góc nhìn Đức tin và người kia từ góc nhìn Khoa học. Tất cả diễn ra dưới ánh sáng của một “sinh thái học toàn diện.” Đây là một thử thách được thực hiện bởi tổ chức học thuật thuộc Dòng Tên tại Hungary.

Học viện Dòng Tên Faludi Ferenc đã khởi động một cuộc đối thoại mới giữa Đức tin và Khoa học vào năm 2022 thông qua một loạt tám hội nghị “phản tỉnh” được tổ chức từ tháng 1 đến tháng 6. Điểm mới lạ của cuộc đối thoại này là việc tập hợp các đại diện của các tổ chức tôn giáo và các nhà khoa học để thảo luận về những chủ đề liên quan đến cả việc bảo vệ công trình sáng tạo và phát triển bền vững. Các chủ đề được lựa chọn cho việc phản tỉnh và tranh luận chung bao gồm: sự cộng tác và đối thoại, nền kinh tế xanh, phong cách sống bền vững, biến đổi khí hậu, nghèo đói, cộng đồng bền vững, biến đổi môi trường, công bình xã hội.

Cách tiếp cận ban đầu của chuỗi những hội nghị phản tỉnh, có tên gọi là “Diễn đàn vì một hệ sinh thái toàn diện” đã được đưa vào trong khuôn mẫu của tất cả các hội nghị, để mỗi chủ đề được giải quyết bởi hai chuyên gia, một người trình bày góc nhìn tôn giáo và người kia trình bày quan điểm khoa học. Các cuộc thảo luận mở ra cho công chúng, cả trực tiếp và trực tuyến, diễn ra sau các bài thuyết trình chính. Qua năng động này, chúng tôi mong muốn tạo ra sự phản tỉnh chung của xã hội về thế giới tạo thành và sự phát triển bền vững.

Kết quả của vòng thảo luận đầu tiên là cuốn sách có tựa đề Sinh thái toàn diện: Đối thoại giữa đức tin và khoa học theo tinh thần Laudato Si’” do Nhà Xuất bản Dòng Tên tại Budapest phát hành. Cuốn sách bao gồm 16 bài suy tư phản tỉnh về tám chủ đề chính của diễn đàn. Mỗi chương của ấn phẩm cung cấp nhiều cách để tìm ra những câu trả lời chân thực về mặt cá nhân cũng như tập thể cho nhiều cuộc khủng hoảng kinh tế xã hội và sinh thái, trong bối cảnh văn hóa và lãnh thổ cụ thể của Hungary.

Trong số các kết quả của cuộc đối thoại này, chúng tôi đưa ra sự phác họa chung như sau:

Cần bổ sung vào ba chiều kích cổ điển của sự phát triển bền vững (chiều kích xã hội, kinh tế và môi trường) một chiều kích thiêng liêng, đưa thêm các giá trị Kitô giáo cụ thể vào từng mục tiêu phát triển bền vững, như được xác định trong Chương trình nghị sự 2030 của Liên hợp quốc. Các Mục tiêu Phát triển Bền vững mà không có các giá trị được giả định hay thừa nhận thì không thể huy động cá nhân và thúc đẩy hành động tập thể. “Phần bổ sung” này sẽ giúp cung cấp định hướng rõ ràng cho các tổ chức. Trong khi đó, đức tin cung cấp động lực nội tại cho sự thi hành thật sự việc bảo vệ công trình sáng tạo khi cung cấp cho chúng ta một sự hướng dẫn đạo đức nội tại. Chiều kích thiêng liêng của tính bền vững có thể dẫn đến sự hoán cải sinh thái như được nhấn mạnh trong thông điệp Laudato Si’ của Đức Giáo hoàng.

Linh đạo I-Nhã có thể đóng vai trò đặc biệt trong việc định hình chiều kích thiêng liêng của tính bền vững, đặc biệt thông qua Linh thao. Phương pháp và những định hướng I-Nhã có thể giúp phân biệt giữa tội lỗi sinh thái và các nhân đức sinh thái. Sự nhấn mạnh về mối quan hệ giữa Thiên Chúa, con người và thiên nhiên có thể trợ giúp nào đó trong một tiến trình hoán cải sinh thái đầy ý nghĩa.

Các tổ chức, cả trong giáo hội lẫn ngoài xã hội, phải áp dụng các kế hoạch hành động và hoạt động thực tiễn có nhiều ích lợi trong cuộc sống hàng ngày để thúc đẩy những hành động nhắm đến một nền kinh tế bền vững (tính di động, các chính sách đầu tư và tiêu dùng xanh, việc sử dụng hiệu quả năng lượng trong các tòa nhà, và sự giám sát lượng khí thải carbon v.v.). Các cộng đồng địa phương, chẳng hạn như giáo xứ, cần được củng cố và duy trì trong mục tiêu tìm ra các giải pháp mang tính tập thể và theo ngữ cảnh cụ thể cho các thách thức của cuộc khủng hoảng sinh thái.

Có một nhu cầu thực sự về việc tái suy nghĩ và chỉnh sửa lại khái niệm về tăng trưởng kinh tế hướng tới sự phát triển toàn diện và hướng tới con người, không chỉ tập trung vào yếu tố vật chất mà còn cả chiều kích thiêng liêng.

Chúng tôi nhận thấy rằng những thay đổi và chuyển đổi triệt để là không thể tránh khỏi. Đồng thời, ở nhiều nơi và nhiều cảnh huống, đặc biệt là ở các khu vực ngoài lề và ngoại vi của xã hội, khả năng phục hồi và thích nghi với môi trường đã thay đổi có thể là giải pháp duy nhất.

“Chúng tôi hy vọng rằng cuộc đối thoại chia sẻ giữa tôn giáo và khoa học về việc bảo vệ công trình tạo thành và sự phát triển bền vững có thể trở thành tài liệu tham khảo trong tương lai cho việc mở rộng những nội dung của các chương trình giáo dục trong các trường học và các cơ sở giáo dục đào tạo cấp cao. Qua đó, công việc của chúng tôi có thể góp phần hình thành thái độ tích cực và thúc đẩy những hành động cấp địa phương trước những khủng hoảng phức tạp hiện nay. Bằng cách làm như vậy, chúng tôi hy vọng sẽ đi đúng hướng và phù hợp với tinh thần của thông điệp Laudato si’, và xin kết thúc với một trong những câu cuối cùng của văn kiện: ‘Chúng ta hãy hát lên khi bước đi. Mong rằng những cuộc đấu tranh và mối bận tâm của chúng ta đối với hành tinh này không bao giờ lấy đi niềm vui của niềm hy vọng’ (LS 244).”

Nguồn: jesuit.global

Tác giả: József Benedek; Gábor Nevelős, SJ

Chuyển ngữ: Hoàng Quân | CTV Jescom – Truyền Thông Dòng Tên

Nguồn: dongten.net