Món Quà Của Lòng Thương Xót Trong Trình Thuật Ga 3, 14-21

Lúc khởi đầu đã có tình yêu không phải là lòng thương xót. Sự kiện tội lỗi xâm nhập đã mạc khải một cách thức đặc biệt diễn tả tình yêu của Thiên Chúa, tức là lòng thương xót[1]. Quả thật, công trình tạo dựng đã được kết thúc bởi sự tốt lành, thế nhưng chính vì sự sa ngã của Nguyên Tổ mà Thiên Chúa đã phải dùng một cách thức tương xứng để trả lại vẻ đẹp thuở ban đầu đó. Ngay từ lúc Lời Hứa cứu độ được trao ban (St 3, 15) thì cũng chính là thời điểm Người Cha quyết định tặng đi Món Quà vô giá. Thiên Chúa là Tình Yêu, tình yêu trước hết ngay trong nội tại Gia Đình Ba Ngôi. Bởi đó, nếu như không phát xuất từ Lòng Thương Xót vô biên dành cho nhân loại tội lỗi, có lẽ Thiên Chúa Cha đã không thể vì một lý do nào khác để hy sinh đến chính Người Con Một Chí Ái của mình. Vì thế, (Ga 3, 16) được xem là lời tỏ tình cũng như Món Quà của Lòng Thương Xót mà Thiên Chúa Cha đã dành cho nhân loại.

  1. Tình yêu vô giá đi bước trước

Khi nói đến quà tặng, thì dĩ nhiên là sẽ có hai bên, người cho và người nhận. Tuy nhiên, với Món Quà Duy Nhất này thì chúng ta có thể thấy rằng, nó hoàn toàn phát xuất từ phía Người Cho. Ngay từ khi loài người chưa ý thức về sự tội lỗi cùng những hậu quả của việc mình làm thì Thiên Chúa đã nghĩ đến việc đền bù tội lỗi đó, để chúng ta lại được sống. Mà trong tình yêu, ai yêu nhiều hơn thì chắc chắn đó là người dám nhận phần thiệt thòi, hy sinh về phía mình. Sự đi bước trước của Thiên Chúa cũng không nằm ngoài quy luật này.

Chúng ta hãy cùng chiêm ngắm những bước đi của tình yêu Thiên Chúa nơi trình thuật Tin Mừng thứ Tư (Ga 3, 14-21) này. Trước hết, đó chính là sự trao ban Người Con Yêu Dấu, để Ngôi Hai Thiên Chúa mặc lấy xác phàm và cư ngụ nơi trần gian. Sứ mạng của Người đến thế gian không phải để lên án, nhưng là đem ánh sáng chiếu soi vào bóng đêm của nhân loại; để nhờ ánh sáng đó mà thế gian nhận ra sự tội lỗi của mình, cùng tin nhận và quay về cùng với sự thật toàn vẹn là chính Thiên Chúa hầu được sống. Chúa Giêsu đã dùng chính đời sống yêu thương, phục vụ của mình để làm chứng về những gì Ngài rao giảng. Thế nhưng, vẫn còn rất nhiều người cứng lòng không đón nhận Ánh Sáng. Và Thiên Chúa Cha biết rõ điều này, biết về cách mà loài người đối xử với Món Quà quý giá xuất phát từ tấm lòng yêu tha thiết của mình. Vì thế, hành trình thương xót đã phải đi đến với bước cuối cùng và quyết định nhất. Cụm từ đến nỗi mà tác giả sử dụng không chỉ để nói về việc Nhập Thể của Chúa Giêsu nhưng còn đề cập đến việc Người sẽ phải được giương cao, phải chịu chết cách đau đớn, tủi hổ trên Thập Giá. Cuộc khổ nạn của Đức Kitô bằng chứng cuối cùng của lòng thương xót của Thiên Chúa (x. 2 Cr 5, 21). Khi chứng kiến cái chết thương tâm của Người Con Chí Ái, đạo diễn của bộ phim Cuộc Khổ Nạn của Chúa Giêsu đã để cho một giọt nước mắt từ trời rơi xuống, đó là cách con người có thể nghĩ về tình yêu của Người Cha dành cho Con mình và dĩ nhiên điều đó còn vượt xa hơn những gì mà ta có thể nghĩ tới.

  1. Xin cho cảm được Tình

Tình yêu hay lòng thương xót của Chúa là các đề tài tốn rất nhiều giấy mực của biết bao người, nhưng có thể nói rằng để có một lần kinh nghiệm được sự đụng chạm, được cảm nếm tấm lòng của Người Cha trên trời dành cho mình thì lại là một chuyện khác. Đó là một ân ban phát xuất từ Thiên Chúa cùng với một niềm tin kính và khát khao tìm kiếm nơi con người. Một món quà dù nó có giá trị đến cỡ nào đi nữa nhưng đối với một người không biết gì về giá trị của món quà hay thậm chí là ghét bỏ và không quan tâm tới nó thì giá trị đó cũng sẽ không có ý nghĩa gì. Biết mình được yêu là một hạnh phúc, bởi tình yêu phát xuất một sức mạnh diệu kỳ, tình yêu có sức biến đổi đời sống con người. Bởi “chỉ những ai đã gặp gỡ được Lòng Thương Xót của Chúa thì người ấy mới cảm thấy hạnh phúc và an ủi trong Chúa cùng cảm nghiệm được sự ôm ấp của lòng thương xót của Đức Giêsu trên tội lỗi của chính mình.[2]

Dù là một người tín hữu lâu năm, thậm chí là một người sống trong đời thánh hiến nhưng ai dám chắc rằng mình đã có được những hiểu biết về Thiên Chúa, nhưng chỉ những ai được cho hiểu mới hiểu. Về tình thương xót đến mức trao ban chính Con Một làm giá chuộc tội cho nhân loại cũng vậy. Mặt khác, sự hiểu biết của loài người về Thiên Chúa cũng sẽ có những cấp độ khác nhau, mà việc tiến tới trong từng mức độ chắc chắn không thể chỉ nảy sinh từ những cố gắng của con người nhưng còn cần sự trợ giúp Thiên Chúa ban. Như vậy, điều đòi hỏi nơi mỗi người chúng ta là lòng khát khao đi vào trong sự sâu thẳm và cao quý của tình yêu Thiên Chúa, cùng thái độ nài xin khiêm tốn chân thành. Chắn hẳn Chúa sẽ rất ưa thích điều này và Ngài càng thích hơn nữa việc thi ân mở lối cho chúng ta đi vào trong con đường tình yêu đó. Chúng ta cũng không được quên điều này là, khi đã cảm nghiệm được tình yêu đó thì chúng ta cần phải nói lên lời tạ ơn không chỉ trên môi miệng nhưng là bằng chính cả đời sống với một tâm tình yêu mến, dẫu biết rằng nó chẳng hề xứng cân với tình yêu mà mình đã được trao ban từ trước.

  1. Món quà dâng lại

Với trái tim luôn thương xót, thì có lẽ việc chúng ta lan tỏa tình thương xót đến với những người xung quanh, sẽ chính là điều là cho Chúa Cha vui lòng nhất. Và phải chăng đó chính là món quà mà mỗi người có thể dâng lại cho Ngài. Như người Samari nhân hậu (x. Lc 10, 29-37), chúng ta phải thực hiện điều đó bằng những hành động cụ thể, ngay cả khi điều đó sẽ gây thiệt hại cho mình. Nói cách khác, lòng thương xót thì không tính toán hơn thiệt hay phải xét xem đối tượng đó có xứng đáng hay không. Thương xót giúp chúng ta vượt qua không chỉ những giới hạn, rào cản về không gian địa lý, nhưng quan trọng hơn là những ngăn cách trong tâm hồn. Để chúng ta có thể đến với cả những người ở vùng ngoại biên, lẫn người anh chị em đang có bất đồng với mình, hầu tình hiệp nhất được thiết lập qua sự cảm thông, tha thứ, làm hòa với nhau. Khi nhìn vào đời sống như vậy, thì xin được nói rằng các việc đó đã được thực hiện trong Thiên Chúa. Và chính qua những chứng tá sống động đó, mà có thêm nhiều người được ơn nhận biết cùng trân trọng hơn với Món Quà Thương Xót. Chúa đã chết để con được sống, bởi đó, chúng ta cần phải sám hối về những lỗi lầm của mình cùng dứt khoát với những việc làm xấu xa, từ bỏ chuộng bóng tối để đến cùng ánh sángsống theo sự thật. Một đời sống sinh động, dồi dào trong tương quan với Chúa, với chính mình và với tha nhân, là cách mà chúng ta đang làm cho những món quà hồng ân mà mình được nhận lãnh thêm triển nở như lòng Chúa mong ước.

Suối nguồn lòng thương xót Chúa vẫn không ngừng tuôn chảy, Món Quà Tình Yêu vẫn mãi được trao ban cho đến tận thế. Vì thế, một khi đã lãnh nhận, chúng ta cũng hãy hết lòng trao ban, hãy trở nên chứng nhân cho Lòng Thương Xót của Chúa. Chúng ta hãy để cho mình được kéo lên cùng với Chúa trên Thập Giá, ngõ hầu qua tình yêu cụ thể của mỗi người trong đời sống, mà Thiên Chúa được tôn vinh và nhiều người đến gần hơn với nguồn Ánh Sáng cứu độ. Ước gì những cảm nghiệm thiêng liêng từ đoạn Kinh Thánh trên luôn là nguồn động lực, là định hướng cho những thực hành trong đời sống hằng ngày của người viết cũng như mỗi Kitô hữu và xin Chúa cùng giúp sức để chúng con dám quảng đại dâng lại cho Chúa điều quý giá nhất của mình, như một minh chứng cho tình yêu đáp đền Tình Yêu.

[1] x. Raniero Cantalamessa, Cái nhìn của lòng thương xót, tr. 9, (NXB: Đồng Nai, 2020).

[2] x. Phanxicô, Giáo Hội Giàu Lòng Thương Xót, tr.8, (NXB: Tôn Giáo, 2015).

Cây Bút Ân Sủng

Hội Dòng Mến Thánh Giá Huế