Suy Niệm Lời Chúa – Thánh Lôrenxô, Phó Tế, Tử Đạo – Theo Chúa Giêsu Trong Đời Sống Phục Vụ

(2 Cr 9:6-10 Ga 12:24-26)

Thánh Lôrenxô là phó tế đầu tiên của Giáo Hội ở Rôma. Một trong những câu chuyện nổi tiếng về Thánh Lôrenxô được kể lại là khi Viên Tổng Trấn Rôma buộc thánh nhân đem nộp tất cả tài sản của Giáo Hội, thánh nhân quy tụ tất cả những người nghèo, những người đau yếu, bệnh tật và đem đến trước vị Tổng Trấn và nói: Đây chính là tài sản của Giáo Hội. Khi tưởng nhớ thánh Lôrenxô hôm nay, chúng ta được mời gọi học ở Ngài không chỉ sẵn sàng làm chứng cho Chúa trong đời sống hằng ngày, nhưng còn chăm sóc, yêu thương những anh chị em kém may mắn như kho tàng quý báu của Giáo Hội. Giờ đây, chúng ta để lời Chúa hướng dẫn chúng ta trong việc soi chiếu đời mình với mẫu gương Thánh Lôrenxô.

Giáo Hội chọn trích thư Thứ Hai của Thánh Phaolô gởi tín hữu Côrintô để đọc trong ngày lễ kính hôm nay nhằm trình bày hình ảnh chân thật của vị thánh mà chúng ta mừng kính. Thánh Lôrenxô đã sống trọn vẹn sự trao ban như thánh Phaolô đã nói. Ngài trao ban chính cuộc sống mình trong đời sống phục vụ của một phó tế và cuối cùng trao ban chính thân mình làm của lễ dâng lên Thiên Chúa trên bàn thờ hy tế. Ngài đã “cho tuỳ theo quyết định của lòng mình, không buồn phiền, cũng không miễn cưỡng, vì ai vui vẻ dâng hiến, thì được Thiên Chúa yêu thương” (2 Cr 9:7). Chúng ta cũng được mời gọi để trao ban. Nhưng thái độ trao ban của chúng ta như thế nào? Có câu nói trong đời rằng: Không có ai quá nghèo đến độ không có gì để trao ban, và cũng không có ai quá giàu đến độ không còn gì để nhận. Hãy trao ban với thái độ “không buồn phiền, cũng không miễn cưỡng, nhưng vui vẻ.” Những người trao ban với thái độ như thế sẽ được Chúa yêu thương.

Mặt khác, Thánh Phaolô cho biết chúng ta không thể trao ban theo quyết định của lòng mình nếu không có ơn thiêng Thiên Chúa ban. Thật vậy, “Thiên Chúa có đủ quyền tuôn đổ xuống trên anh em mọi thứ ân huệ, để anh em vừa được luôn đầy đủ mọi mặt, vừa được dư thừa mà làm mọi việc thiện, theo như lời đã chép: ‘Kẻ túng nghèo, Người rộng tay làm phúc; đức công chính của Người tồn tại muôn đời’” (2Cr 9:8-9). Trong mọi sự, chúng ta được Chúa ban ơn đủ để sống ơn gọi mà Ngài mời gọi chúng ta. Nhưng những ân huệ Ngài ban không chỉ để chúng ta dành riêng cho mình, nhưng còn trở thành những hạt giống để chúng ta gieo vào lòng thế gian hầu mang lại mùa gặt tươi tốt cho Thiên Chúa, “Đấng cung cấp hạt giống cho kẻ gieo, và bánh làm của ăn nuôi dưỡng, tất sẽ cung cấp dư dật hạt giống cho anh em gieo, và sẽ làm cho đức công chính của anh em sinh hoa kết quả dồi dào” (2 Cr 9:10). Thánh Lôrenxô đã đổ máu mình ra để tưới cho hạt giống Ngài gieo trồng trong đời sống phục vụ của Ngài. Hạt giống đó đã mang lại một mùa gặt dồi dào cho Giáo Hội, đó là đức tin của các tín hữu được củng cố và tăng trưởng khi nhìn lên các thánh, những người đã sống và đổ máu mình ra để làm chứng cho đức tin.

Đề tài về hạt giống Thiên Chúa ban phải được gieo vào lòng đất trong bài đọc 1 cũng được Thánh Gioan trình bày trong Tin Mừng của mình. Đoạn trích này nằm trong bối cảnh những người Hy Lạp đến tìm Chúa Giêsu [thông qua Philiphê, người có tên Hy Lạp]. Khi nghe thấy những người Hy Lạp tìm mình, Chúa Giêsu lên tiếng nói về “giờ” của Ngài đã đến. Và trong bối cảnh “giờ của Ngài đã đến,” Ngài nói về hình ảnh hạt lúa gieo vào lòng đất, hầu ám chỉ đến cái chết mà Ngài sắp chịu.

Hình ảnh “hạt lúa gieo vào lòng đất” phản chiếu lại điều được viết trong thư Thứ Nhất của Thánh Phaolô gởi tín hữu Côrintô (15:36): “Ngươi gieo cái gì, cái ấy phải chết mới được sống.” Có thể đây là một câu ngạn ngữ thường được sử dụng trong thời gian đó mà Thánh Gioan đã dùng để áp dụng vào trong bối cảnh cái chết mà Chúa Giêsu sẽ đón nhận. Tuy nhiên, Thánh Gioan nhấn mạnh đến việc “trơ trọi một mình” nếu hạt lúa gieo vào lòng đất mà không chết đi. Chi tiết này cho thấy, cái chết của Chúa Giêsu là cho người khác. Nói cách khác, cái chết của Ngài mang ơn cứu độ cho mọi người. Cộng đoàn của Thánh Gioan “không trơ trọi một mình” sau cái chết của Chúa Giêsu, nhưng sẽ đạt được sự hiệp nhất mới với Ngài và với Chúa Cha (x. Ga 14:18,28; 16:22). Điều này có ý nghĩa gì với cuộc sống chúng ta? Hình ảnh hạt lúa gieo vào lòng đất phải chết đi để sinh bông hạt chứ không trơ trọi một mình là lời mời gọi chúng ta không đóng kín cửa con tim mình để chỉ “sống trơ trọi một mình,” nhưng cởi mở và trao ban qua việc chết đi cho chính mình mỗi ngày hầu mang niềm vui đến cho người khác.

Việc hạt giống gieo vào lòng đất và chết đi được diễn tả qua hai hình ảnh khác, đó là “liều mất mạng sống mình” và “phục vụ Đức Giêsu”: “Ai yêu quý mạng sống mình, thì sẽ mất; còn ai coi thường mạng sống mình ở đời này, thì sẽ giữ lại được cho sự sống đời đời. Ai phục vụ Thầy, thì hãy theo Thầy; và Thầy ở đâu, kẻ phục vụ Thầy cũng sẽ ở đó. Ai phục vụ Thầy, Cha Thầy sẽ quý trọng người ấy” (Ga 12:25-26). Những lời này mời gọi thính giả đối chiếu cuộc sống mình với Chúa Giêsu, nhất là trong đời sống phục vụ. Điều đáng lưu ý ở đây là chúng ta đang phục vụ ai? Chúa Giêsu nói chỉ những người nào phục vụ Ngài mới theo Ngài và Ngài ở đâu thì người đó cũng sẽ ở đó. Nói cách khác, những người phục vụ Chúa Giêsu là những người đi đến những nơi Chúa Giêsu đến và phục vụ những người Chúa Giêsu muốn họ phục vụ chứ không phải những người họ muốn phục vụ. Khi chúng ta phục vụ những nơi và những người mà theo bản tính tự nhiên chúng ta không muốn và không thích, chúng ta đang phục vụ Chúa. Chúng ta không phục vụ cách miễn cưỡng, nhưng với trọn con tim và cõi lòng của Chúa Giêsu.

Lm. Antôn Nguyễn Ngọc Dũng, SDB