Suy Niệm Lời Chúa – Thứ Ba sau Lễ Hiển Linh – Anh Em Hãy Cho Họ Ăn!

(1 Ga 4:7-10; Mc 6:34-44)

Chúng ta có thể nói rằng: chúng ta sinh ra vì tình yêu, nên ơn gọi của chúng ta là “yêu.” Thánh Gioan Phaolô II nói rằng: “Vì con người là một nhân vị, nên không có cách thức nào khác để đối xử với con người ngoài tình yêu.” Tuy nhiên, nhiều người trong chúng ta hiểu tình yêu với cái nhìn của tâm lý học: tình yêu là một cảm xúc. Cũng theo Thánh Gioan Phaolô II, “tình yêu không phải là một cảm xúc, nhưng là một quyết định của con tim được hướng dẫn bởi lý trí: Một quyết định yêu cho đến trọn đời. Chính vì vậy, khi yêu, những ai không quyết định yêu cho đến trọn đời sẽ cảm thấy rất khó để yêu dù chỉ một ngày.” Yêu cho đến cùng chỉ tìm thấy ở Đức Kitô: “Trước lễ Vượt Qua, Đức Giêsu biết giờ của Người đã đến, giờ phải bỏ thế gian mà về với Chúa Cha. Người vẫn yêu thương những kẻ thuộc về mình còn ở thế gian, và Người yêu thương họ đến cùng (Ga 13:1). Đây chính là bối cảnh để giúp chúng ta hiểu lời Chúa ngày hôm nay.

Trong bài đọc 1, Thánh Gioan trình bày ý nghĩa và những nét đặc trưng về một tình yêu chân thật, điều mà trong cuộc sống, ai trong chúng ta cũng đi tìm. Như đã trình bày, tình yêu chận thật chỉ tìm thấy ở nơi Thiên Chúa và những ai sinh ra bởi Thiên Chúa và biết Ngài, vì nguồn gốc của tình yêu luôn bắt đầu từ Thiên Chúa (x. 1Ga 4:7). Thật vậy, theo Thánh Gioan, tiêu chuẩn để biết một người được sinh ra và biết Thiên Chúa đó chính là đời sống yêu thương của họ: “Phàm ai yêu thương, thì đã được Thiên Chúa sinh ra, và người ấy biết Thiên Chúa. Ai không yêu thương, thì không biết Thiên Chúa, vì Thiên Chúa là tình yêu” (1Ga 4:7-8). Trong hai câu này, Thánh Gioan cho chúng ta biết “bản tính” của Thiên Chúa là Tình yêu. Điều này giúp chúng ta hiểu tại sao Thánh Gioan nói: “Phàm ai yêu thương, thì đã được Thiên Chúa sinh ra.” Bởi vì, bản tính của Thiên Chúa là tình yêu và chúng ta được sinh ra bởi Thiên Chúa, thì chúng ta cũng được chia sẻ trong bản tính của Ngài, nên “bản tính” của chúng ta cũng là tình yêu. Giống như khi người con được sinh ra, thì người con được chia sẻ trong bản tính “là người” của người cha. Hơn nữa, Thánh Gioan thêm một tiêu chuẩn khác, đó là, “biết” Thiên Chúa để xem một người sống yêu thương hay không. Theo nghĩa Kinh Thánh, “biết” không phải chỉ là kết luận của một tiến trình lý trí, nhưng là hoa trái của kinh nghiệm, của gặp gỡ cá vị; khi đạt đến mức trưởng thành, “biết” trở thành “tình yêu.” Như vậy, khi chúng ta nói là mình “biết” Thiên Chúa “thật sự,” thì chúng ta khẳng định rằng mình yêu, vì Thiên Chúa là tình yêu.

Tuy nhiên, tình yêu chân thật không phải là một cái gì trừu tượng. Tình yêu không phải là những học thuyết để học thuộc, nhưng là những “hành động cụ thể”: “Tình yêu của Thiên Chúa đối với chúng ta được biểu lộ như thế này: Thiên Chúa đã sai Con Một đến thế gian để nhờ Con Một của Người mà chúng ta được sống” (1Ga 4:9). Trong Tin Mừng và các thư của mình, Thánh Gioan luôn muốn khẳng định rằng: nơi Đức Giêsu Kitô, tình yêu của Thiên Chúa được biểu lộ cách cụ thể và hữu hình. Quả vậy, chúng ta có thể chạm đến Ngài, cảm nếm sự dịu ngọt của Ngài với cảm xúc thật con người khi đụng chạm đến Ngài trong Bí Tích Thánh Thể. Khi chúng ta cảm nghiệm được “cái cụ thể” của tình yêu Chúa [nhất là trong Bí Thánh Thể], chúng ta sẽ khám phá ra rằng: “Tình yêu cốt ở điều này: không phải chúng ta đã yêu mến Thiên Chúa, nhưng chính Người đã yêu thương chúng ta, và sai Con của Người đến làm của lễ đền tội cho chúng ta (1Ga 4:10).” Thiên Chúa luôn đi bước trước trong tình yêu! Chúng ta chỉ là những người đáp trả. Những người không đáp trả là những người chưa cảm nghiệm được rằng: Thiên Chúa luôn yêu họ một cách tuyệt đối, dù tội “họ có đỏ như son, có đen như mực” (Is 1:18).

Ngày hôm qua chúng ta nghe từ Tin Mừng Thánh Mátthêu về khởi đầu sứ vụ tại Galilê của Chúa Giêsu. Ngài hoàn thành công việc rao giảng Nước Trời bằng lời nói và hành động. Trong bài Tin Mừng hôm nay, chúng ta thấy Chúa Giêsu thực hiện điều này qua việc dạy dỗ đám đông và thực hiện một ‘hành động’ quan trọng để củng cố lời rao giảng của Ngài. Một cách cụ thể, Thánh Máccô thuật lại cho chúng ta phép lạ hoá bánh ra nhiều của Chúa Giêsu. Những chi tiết quan trọng trong bài Tin Mừng này đáng để chúng ta suy gẫm là:

Thứ nhất, mọi sứ vụ [hành động tốt] bắt đầu từ tình yêu: “Khi ấy, Đức Giêsu thấy một đoàn người đông đảo, thì chạnh lòng thương, vì họ như bầy chiên không người chăn dắt. Và Người bắt đầu dạy dỗ họ nhiều điều” (Mc 6:34). Chính tình yêu dành cho đám đông không người chăm sóc, dạy dỗ đã ‘thúc đẩy’ Chúa Giêsu dạy dỗ và rồi sẽ làm phép lạ hoá bánh ra nhiều để nuôi họ. Trong cuộc sống, chúng ta cũng làm nhiều điều, nhất là những công việc phục vụ. Nhưng nhiều lần, động lực thúc đẩy chúng ta phục vụ không phải là tình yêu, mà là sự ghen ghét, đố kỵ hoặc đi tìm vinh quang danh dự cho riêng mình: Một công việc thành công không lệ thuộc vào vinh quang danh dự cho riêng mình, nhưng lệ thuộc vào chiều sâu của tình yêu chúng ta đặt trong đó, để người khác có thể cảm nghiệm được tình yêu của Chúa và tôn vinh Ngài chứ không phải chúng ta.

Thứ hai, sự ‘đối nghịch’ trong cách giải quyết giữa Chúa Giêsu và các môn đệ. Chúng ta viết lại đoạn hội thoại giữa Chúa Giêsu và các môn đệ như sau:

Các môn đệ: “Nơi đây hoang vắng và giờ đã khá muộn. Xin Thầy cho dân chúng về, để họ vào thôn xóm và làng mạc chung quanh mà mua gì ăn” (Mc 6: 35:36).

Chúa Giêsu: “Chính anh em hãy cho họ ăn đi!” (Mc 6:37).

Các môn đệ: “Chúng con phải đi mua tới hai trăm quan tiền bánh mà cho họ ăn sao?”

Chúa Giêsu: “Anh em có mấy cái bánh? Đi coi xem!”

Các môn đệ: “Có năm cái bánh và hai con cá.”

Đứng trước sự kiện đám đông dân chúng đã ở với Chúa Giêsu cho đến khi trời quá muộn và trong một nơi thanh vắng, ‘lòng tốt’ của các môn đệ được diễn ta qua việc đề nghị Chúa Giêsu giải tán đám đông để họ tự đi mua thức ăn cho mình. Đề nghị này ám chỉ việc các môn đệ không muốn nhúng tay vào việc kiếm thức ăn cho đám đông. Với đề nghị này, Chúa Giêsu đối diện với các môn đệ với đề nghị làm các ông kinh ngạc và phải tính toán: ‘Chính anh em hãy cho họ ăn đi!’ Ngài muốn các môn đệ “nhúng tay vào việc tốt.” Nghe nói thế, các môn đệ liền nghĩ ngay đến việc phải bỏ tất những gì là của riêng mình ra để cho đám đông ăn. Họ không hiểu rằng Chúa Giêsu chỉ muốn họ đóng góp phần họ có theo khả năng của mình, phần còn lại, chính Ngài sẽ bù đắp và hoàn thiện. Trong cuộc sống, nhiều lần chúng ta cũng sợ không dám nhúng tay vào việc tốt, chúng ta sợ phải mất đi một cái gì đó, hoặc tất cả những gì thuộc về mình. Nhiều khi chúng ta cũng sợ không dám đóng góp một phần nhỏ chúng ta có so với nhu cầu thật to lớn của anh chị em. Điều Chúa Giêsu muốn nơi chúng ta là sẵn sàng trao vào tay Ngài “một chút” chúng ta có trong khả năng của mình. Liệu chúng ta có đủ quảng đại để làm điều đó không?

Thư ba, sứ vụ của các môn đệ là được chia sẻ với sứ vụ của Chúa Giêsu. Điều này được diễn tả trong những lời sau: “Người cầm lấy năm cái bánh và hai con cá, ngước mắt lên trời, dâng lời chúc tụng, rồi bẻ bánh ra, trao cho môn đệ để các ông dọn ra cho dân chúng. Người cũng chia hai con cá cho mọi người” (Mc 6:41). Chúa Giêsu là người trao bánh và cá cho các môn đệ, để các ngài dọn ra cho dân chúng. Chi tiết này cho thấy, Chúa Giêsu chính là người cung cấp mọi sự cần thiết để nuôi dưỡng dân chúng. Vai trò của các môn đệ là ‘dọn ra’ hay đúng hơn là phân phát những gì Chúa Giêsu trao ban. Chúng ta cũng được mời gọi vào trong sứ vụ ‘phân phát’ những gì của Thiên Chúa cho anh chị em mình. Những gì chúng ta trao ban cho anh chị em không thuộc về chúng ta, nhưng là của Thiên Chúa. Đừng trở nên những người ngăn cản ân sủng Thiên Chúa ban cho anh chị em mình. Chính khi các môn đệ ý thức được sứ vụ của mình là tiếp nối sứ vụ của Chúa Giêsu thì mọi người mới được ăn no nê: “Ai nấy đều ăn và được no nê. Người ta thu lại những mẩu bánh được mười hai thúng đầy, cùng với cá còn dư. Số người ăn bánh là năm ngàn người đàn ông” (Mc 6:42-43).

Lm. Antôn Nguyễn Ngọc Dũng, SDB