(1 V 18:41-46; Mt 5:20-26)
Ai trong chúng ta cũng đã một lần cầu xin Chúa điều gì đó trong khi cầu nguyện. Nhiều khi chúng ta nhận được điều mình xin, nhưng có lúc không được. Trong bài đọc 1 hôm nay, Ngôn sứ Êlia cũng cầu xin Thiên Chúa một điều, đó là cho mưa xuống trên Israel trong nạn hạn hán. Qua kinh nghiệm cầu xin của Êlia, chúng ta nhận ra rằng yếu tố quan trọng khi cầu xin là đức tin: Dù không nhìn thấy dấu hiện hứa hẹn nào, nhưng vẫn đặt trọn niềm tin vào Chúa. Điều này được chỉ rõ trong cuộc đối thoại giữa Êlia và tiểu đồng của ông:
Ông Êlia: “Con đi lên và nhìn về phía biển.”
Tiểu đồng (đi lên, nhìn và nói): “Không có gì cả!”
Ông Êlia: “Hãy trở lại bảy lần.”
Tiểu đồng (lần thứ bảy, nó nói): “Kìa có một đám mây nhỏ bằng bàn tay người, đang từ biển bốc lên.”
Ông Êlia: “Con hãy lên thưa với vua A-kháp: xin vua dừng lại, xuống khỏi xe để tránh cơn mưa.”
Cuộc đối thoại bắt đầu với việc Êlia sai tiểu đồng đi xem có dấu hiệu gì cho biết mưa sẽ đến không. Dữ liệu ban đầu cho thấy không có dấu hiệu gì. Nhưng Êlia không thất vọng mà sai tiểu đồng đi xem “bảy lần.” Như chúng ta biết, trong tư tưởng của người Do Thái, số bảy là số hoàn hảo. Điều này có nghĩa là Êlia muốn tiểu đồng tiếp tục tìm kiếm dấu hiệu một cách hoàn hảo, không bỏ cuộc. Đến lần thứ bảy, dù dấu hiệu chỉ là một đám mây nhỏ cũng đủ cho Êlia nhận ra dấu chỉ yêu thương của Thiên Chúa, đó là sẽ cho mưa rơi trên vùng đất khô cằn của Israel. Quả thật, điều Êlia cầu xin đã xảy ra: “Lập tức trời kéo mây đen nghịt và nổi gió, rồi trút mưa lớn” (1V 18:45). Câu chuyện về Êlia nhắc nhở chúng ta về đức tin của mình mỗi khi đến cầu xin Chúa điều gì. Liệu chúng ta có tiếp tục đặt niềm tin vào Chúa khi chúng ta không thấy dấu hiệu gì hoặc chỉ một tí dấu hiệu không?
Ai trong chúng ta cũng muốn được lên Thiên Đàng. Để đạt được điều này, chúng ta thường cố gắng sống tốt và làm việc tốt. Trong Tin Mừng của Thánh Mátthêu, có hai lần Chúa Giêsu nói cách trực tiếp đến điều kiện cần để được vào Nước Trời, đó là: (1) “Thầy bảo cho anh em biết, nếu anh em không ăn ở công chính hơn các kinh sư và người Pharisêu, thì sẽ chẳng được vào Nước Trời” (Mt 5:20); (2) “Thầy bảo thật anh em: nếu anh em không trở lại mà nên như trẻ nhỏ, thì sẽ chẳng được vào Nước Trời” (Mt 18:3). Chúng ta có cả hai hay một trong hai điều kiện để vào Nước Trời trên không? Nếu chưa có, chúng ta phải có gắng hầu tìm được niềm vui với Chúa trên Thiên Đàng.
Bài Tin Mừng hôm nay được đặt nằm trong bối cảnh bài giảng trên núi của Chúa Giêsu. Như chúng ta đã nghe trong những ngày qua, trong bài giảng này, Chúa Giêsu đặt ra trước các môn đệ một tiêu chuẩn sống mới, hay đúng hơn là một nền luân lý mới để hướng dẫn các hành động của họ. Trong bài Tin Mừng hôm qua, chúng ta đã nghe Chúa Giêsu khẳng định về giá trị của Luật Môsê và ngôn sứ và Ngài đến để kiện toàn chúng. Trong bài Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu trình bày cho các môn đệ thấy Ngài kiện toàn chúng qua việc giải thích cách mới mẻ với những đòi hỏi mới.
Điều đầu tiên Chúa Giêsu muốn kiện toàn là giới răn thứ 5 trong 10 điều răn: Giới răn chớ giết người. Trong giới răn này, Chúa Giêsu chỉ ra cho chúng ta thấy gốc rễ của giết người, và một trong những gốc rễ đó là tức giận: “Anh em đã nghe Luật dạy người xưa rằng: Chớ giết người; ai giết người, thì đáng bị đưa ra toà. Còn Thầy, Thầy bảo cho anh em biết: Bất cứ ai giận anh em mình, thì đáng bị đưa ra toà. Ai mắng anh em mình là đồ ngốc, thì đáng bị đưa ra trước Thượng Hội Đồng. Còn ai chửi anh em mình là quân phản đạo, thì đáng bị lửa hoả ngục thiêu đốt” (Mt 5:21-22). Thật vậy, luận chứng đầu tiên trong sáu luận chứng Chúa Giêsu nói về sự tức giận trong bài giảng trên núi. Theo tâm lý học, chúng ta có thể nói rằng tức giận là một phản ứng bình thường trước một ai hoặc một điều gì đó “làm phiền” chúng ta. Tuy nhiên, nếu tức giận không được kiểm soát thường dẫn đến “bạo lực.” Người tức giận thường nghĩ xấu và ước muốn làm điều xấu cho người khác. Nói cách khác, trong tư tưởng, những người tức giận thường muốn giết chết người làm cho họ tức giận. Ông bà ta thường nói, “giận quá thì mất khôn.” Thật vậy, khi tức giận chúng ta thường có những lời nói và hành động làm tổn thương đến người khác. Đây là điều mà Chúa Giêsu nói với các môn đệ trong bài Tin Mừng hôm nay. Theo Chúa Giêsu, tức giận thường làm cho chúng ta “mắng” và “chửi” anh chị em của mình. Hãy là người kiểm soát “cảm xúc” nóng giận, đừng để “cảm xúc” kiểm soát chúng ta! Đừng để sự nóng giận làm chúng ta “mất khôn” nhưng hãy khôn ngoan điều phối sự nóng giận. Đừng để một phút nóng giận làm chúng ta ân hận suốt đời!
Điều thứ hai Chúa Giêsu dạy các môn đệ trong bài Tin Mừng hôm nay là cách thức hành xử khi có sự bất hoà với anh chị em của mình. Sự bất hoà này thường là hậu quả của sự nóng giận. Theo Chúa Giêsu, sự bất hoà với người khác có ảnh hưởng đến việc tôn thờ Thiên Chúa của chúng ta. Nói cách khác, khi tương quan của chúng ta với anh chị em của mình bị tổn thương, thì tương quan của chúng ta với Thiên Chúa cũng sẽ bị ảnh hưởng. Vì vậy, “nếu khi anh sắp dâng lễ vật trước bàn thờ, mà sực nhớ có người anh em đang có chuyện bất bình với anh, thì hãy để của lễ lại đó trước bàn thờ, đi làm hoà với người anh em ấy đã, rồi trở lại dâng lễ vật của mình. Anh hãy mau mau dàn xếp với đối phương, khi còn đang trên đường đi với người ấy tới cửa công, kẻo người ấy nộp anh cho quan toà, quan toà lại giao anh cho thuộc hạ, và anh sẽ bị tống ngục. Thầy bảo thật cho anh biết: anh sẽ không ra khỏi đó, trước khi trả hết đồng xu cuối cùng” (Mt 5:23-26). Theo các học giả Kinh Thánh, những lời đưa ra hai giả định: (1) Đền Thánh vẫn còn đứng vững và chưa bị phá đổ bởi người Rôma vào năm 70. Nên đoạn văn này phải được viết trước năm 70; (2) Chúa Giêsu chuẩn nhận Đền Thánh và hệ thống hy lễ của Đền Thánh. Việc Chúa Giêsu đặt ưu tiên về đời sống luân lý trên nghi lễ phản ảnh lời dạy của các ngôn sứ trong Cựu Ước: sẽ không có việc tôn thờ Thiên Chúa cách chân thật nếu không có đức công bình và yêu thương. Điều này mời gọi chúng ta xem lại đời sống thờ phượng của mình. Việc thờ phượng Thiên Chúa phải làm cho chúng ta trở nên những người sống yêu thương và hài hoà với anh chị em. Hãy làm hoà với anh chị em khi chúng ta đang còn đi với họ trên đường về Thiên Đàng và gặp vị thẩm phán chí công. Bản án của chúng ta hệ tại việc chúng ta sống với anh chị em như thế nào.
Lm. Antôn Nguyễn Ngọc Dũng