(Kh 15:1-4; Lc 21:12-19)
Trong bài đọc 1 hôm nay, Thánh Gioan trình bày cho chúng ta thị kiến về các thiên thần mang bảy tai ương xuất hiện trên trời, “đó là những tai ương cuối cùng, vì với những tai ương này, cơn lôi đình của Thiên Chúa đã hoàn tất” (Kh 15:1). Chúng ta cần lưu ý rằng, chữ tai ương ở đây không được hiểu theo nghĩa hình phạt. Vì nếu hiểu theo nghĩa đó, thì những lời trên sẽ dẫn đến nguy hiểm là cơn giận của Thiên Chúa chỉ được nguôi khi Ngài đánh phạt con người. Chữ tai ương ở đây theo nghĩa của truyền thống khải huyền là những điều sẽ xảy ra theo đức công bình của Thiên Chúa. Tuy nhiên, chung ta cần tập trung vào con số 7. Đây là con số hoàn hảo [hoàn tất]. Tức là nói đến thời gian Thiên Chúa hoàn tất công trình cứu chuộc của Ngài; thời gian mà Ngài giải thoát những kẻ thuộc về Ngài để “họ cầm những cây đàn của Thiên Chúa và hát bài ca của ông Môsê, tôi tớ Thiên Chúa, và bài ca của Con Chiên; họ hát rằng: ‘Lạy Chúa là Thiên Chúa toàn năng, sự nghiệp Ngài thật lớn lao kỳ diệu! Lạy Đức Vua trị vì muôn nước, đường lối Ngài quả chân thật công minh! Lạy Chúa, nào có ai không kính sợ Chúa? Ai mà chẳng tôn vinh danh Ngài? Vì chỉ có Ngài chí thánh chí tôn. Người muôn nước sẽ về phủ phục trước Tôn Nhan, vì ai ai cũng đều thấy rõ những phán quyết công minh của Ngài’” (Kh 15:2-4). Trong bài hát của ông Môsê, Thiên Chúa được tôn vinh qua công trình kỳ diệu Ngài đã thực hiện cho con người. Điều này nhắc nhở chúng ta rằng cuộc đời của mỗi người chúng ta là bài ca chiến thắng của những người tôi tớ Thiên Chúa, những người đã rửa áo mình trong máu con chiên.
Bài Tin Mừng hôm nay tiếp tục lời dạy của Chúa Giêsu về những điều sẽ xảy ra cho Giêrusalem vì từ chối Ngôn Sứ của Thiên Chúa và những gì sẽ xảy ra cho những người đi theo vị Ngôn Sứ của Thiên Chúa. Nếu chúng ta lưu ý kỹ chúng ta sẽ thấy bài Tin Mừng hôm nay được sắp xếp cách chặt chẽ theo cùng cấu trúc AB//A’B’. A và A’ có cùng nội dung, đó là nói về những điều các môn đệ sẽ phải đối diện khi theo Chúa Giêsu; còn B và B’ là lời trấn an của Chúa Giêsu cho các môn đệ. Cấu trúc này được phát triển cách tiệm tiến. Trong A, Chúa Giêsu nói về những bách hại đến từ bên ngoài mà người môn đệ phải đối diện; trong khi đó, A’ nói về những thách đố đến từ bên trong. Chúng ta có thể suy gẫm bài Tin Mừng dựa theo bốn ý rút ra từ cấu trúc trên:
Thứ nhất, khó khăn mà các môn đệ phải đối diện: “Người ta sẽ tra tay bắt và ngược đãi anh em, nộp anh em cho các hội đường và bỏ tù, điệu anh em đến trước mặt vua chúa quan quyền vì danh Thầy” (Lc 21:12). Những lời này cho thấy các môn đệ sẽ bị ngược đãi và phải đối diện với các cáo buộc bất công vì danh Chúa Giêsu. Họ phải trả lời cho những người hỏi họ về đức tin của mình, đồng thời họ phải bảo vệ đức tin đó cách tinh tuyền. Người môn đệ Chúa Giêsu cũng phải đối diện việc này trong thời đại hôm nay. Người ta cũng nhìn vào cuộc sống của chúng ta và chất vấn về lối sống và đức tin của chúng ta. Liệu chúng ta có thể trả lời họ không? Hay chúng ta bị họ thuyết phục để rồi chạy theo một lối sống xa lạ với Tin Mừng của Chúa Giêsu. Thành thật mà nói, nhiều người trong chúng ta đón nhận đức tin và rồi chôn vùi đức tin đó. Chúng ta chỉ đến nhà thờ hoặc cầu nguyện cũng chỉ vì bổn phận phải làm. Nói cách khác, chúng ta vì sợ phạm tội mà thực hiện những việc đạo đức chứ không phải vì lòng yêu mến. Chúng ta không quan tâm đến việc đào sâu đức tin của mình. Vì vậy, nhiều lần chúng ta không thể giải thích cho người khác về lý do chúng ta tin. Hơn nữa, vì không đưa đức tin vào cuộc sống, nên lối sống của chúng ta không phản chiếu được điều chúng ta tin. Lời Chúa mời gọi chúng ta nhìn lại đức tin của mình trong một thế giới đang chất vấn chúng ta về lý do chúng ta tin. Hãy biến cuộc sống của mình thành lời giải thích thuyết phục nhất.
Thứ hai, các môn đệ sẽ phải hành xử thế nào khi đối diện với khó khăn: “Đó sẽ là cơ hội để anh em làm chứng cho Thầy. Vậy anh em hãy ghi lòng tạc dạ điều này, là anh em đừng lo nghĩ phải bào chữa cách nào. Vì chính Thầy sẽ cho anh em ăn nói thật khôn ngoan, khiến tất cả địch thủ của anh em không tài nào chống chọi hay cãi lại được” (Lc 21:13-15). Trong những lời này, Chúa Giêsu thách đố và trấn an các môn đệ của Ngài khi đối diện với bắt bớ và đau khổ. Theo Chúa Giêsu, khi gặp phải khó khăn trong cuộc sống, người môn đệ không trốn chạy, cũng không “tìm đường tắt để đi” như những người không tin Chúa. Trái lại, đây là cơ hội để người môn đệ diễn tả đức tin và tình yêu của mình. Người ta thường nói, gặp khó khăn mà không bỏ nhau, điều đó mới chứng tỏ là một tình yêu chân thật. Khi gặp khó khăn mà vẫn gắn bó với Chúa, điều đó mới chứng tỏ tình yêu chúng ta dành cho Thiên Chúa sâu đậm thế nào.
Thứ ba, các môn đệ sẽ bị đau khổ bởi chính người thân của mình: “Anh em sẽ bị chính cha mẹ, anh chị em, bà con và bạn hữu bắt nộp. Họ sẽ giết một số người trong anh em. Vì danh Thầy, anh em sẽ bị mọi người thù ghét” (Lc 21:16-17). Qua những lời này, Chúa Giêsu cho thấy những bách hại và đau khổ của người môn đệ không chỉ đến từ bên ngoài, như đã được trình bày ở trên. Người môn đệ còn phải chịu đau khổ bởi những người thân trong gia đình và bạn hữu của mình. Điều này cho thấy, để theo Chúa Giêsu, người môn đệ phải chấp nhận đối diện với những thách đố mà sẽ làm rạn nứt các mối tương quan trong gia đình hoặc giữa bạn bè. Cụ thể hơn, vì là môn đệ Chúa Giêsu, chúng ta không sống theo lối sống của một số thành viên trong gia đình hay các bạn bè, vì lối sống đó nghịch lại với Tin Mừng Chúa Giêsu mang đến. Nhiều lần, vì cả nể mà chúng ta làm theo tình cảm để rồi chạy theo lối sống không đúng với điều Chúa muốn cho cuộc đời chúng ta. Hãy sống theo thánh ý Thiên Chúa hơn là theo ý muốn của người khác.
Thứ tư, các môn đệ vững tin vì Thiên Chúa luôn chăm sóc cho họ: “Nhưng dù một sợi tóc trên đầu anh em cũng không bị mất đâu. Có kiên trì, anh em mới giữ được mạng sống mình” (Lc 21:18-19). Bài Tin Mừng kết thúc với những lời thật an ủi. Chúa Giêsu khẳng định cho các môn đệ rằng, cả những gì mà họ không lưu ý lắm, ví dụ như sợi tóc trên đầu có mọc lên hay rụng xuống, mà Thiên Chúa vẫn lưu tâm đến. Huống chi là mạng sống của họ. Thiên Chúa sẽ chăm sóc họ với một tình yêu tuyệt đối. Điều họ cần là sống trung thành và kiên trì trong đời sống đức tin. Liệu chúng ta có sống trung thành và gắn bó với Thiên Chúa trong mọi nơi mọi lúc không?
Lm. Antôn Nguyễn Ngọc Dũng, SDB