(Gr 31:31-34; Mt 16:13-23)
Khát vọng thấy Chúa được ghi khắc trong tim mỗi người. Khát vọng đó được diễn tả qua ước muốn vượt qua chính mình hay còn gọi là siêu việt chính mình. Bên cạnh đó, khát vọng nhìn thấy Chúa được diễn tả qua kinh nghiệm “thất bại” trong cuộc sống. Thật vậy, khi gặp thất bại, chúng ta nhận ra rằng có những điều chúng ta không thể giải quyết dựa trên sức riêng của mình hay của người khác, mà chúng ta cần đến sự trợ giúp của một sức mạnh thiêng liêng, vượt trên sự hiểu biết của con người. Bài đọc 1 hôm nay trình bày cho chúng ta về kinh nghiệm thất bại trong giao ước với Đức Chúa của con cái Israel. Họ đã cố gắng để giữ giao ước, nhưng rồi lại không trung thành với giao ước đã ký kết. Vì vậy, họ ngóng trông lên Đức Chúa để mong Ngài tái lập giao ước lại với họ. Vì yêu thương dân Ngài, Đức Chúa đã tái lập giao ước với nhà Israel và nhà Giuđa. Tuy nhiên, giao ước này không giống như giao ước cũ, giao ước mà đã bị cha ông họ huỷ bỏ (x. Gr 31:31-32). Giao ước mới Đức Chúa sẽ tái lập với con cái Israel sẽ được “ghi vào lòng dạ chúng, sẽ khắc vào tâm khảm chúng Lề Luật của Ta. Ta sẽ là Thiên Chúa của chúng, còn chúng sẽ là dân của Ta. Chúng sẽ không còn phải dạy bảo nhau, kẻ này nói với người kia: ‘Hãy học cho biết Đức Chúa,’ vì hết thảy chúng, từ người nhỏ đến người lớn, sẽ biết Ta – sấm ngôn của Đức Chúa. Ta sẽ tha thứ tội ác cho chúng và không còn nhớ đến lỗi lầm của chúng nữa” (Gr 31:33-34). Những lời này cho thấy Đức Chúa yêu dân Israel và mỗi người chúng ta nhiều như thế nào. Qua bí tích rửa tội [hoặc qua lời khấn], chúng ta cũng đã ký kết với Thiên Chúa một giao ước. Nhưng nhiều lần chúng ta đã lỗi phạm và bất trung với lời giao ước đã ký kết. Thiên Chúa đã nhiều lần tha thứ cho sự bất trung của chúng ta. Ngài không nhớ đến những lỗi lầm của chúng ta. Ngài mong chờ chúng ta trở về với Ngài. Chúng ta chỉ làm được điều này khi chúng ta biết rằng giao ước đã được ký kết được khắc ghi trong tim của chúng ta chứ không phải tấm giấy chứng nhận rửa tội hoặc tuyên khấn. Khi chúng ta sống trọn vẹn luật yêu thương – mến Chúa yêu người – là chúng ta sống trọn vẹn với giao ước của mình với Thiên Chúa.
Bài Tin Mừng hôm nay cũng được thánh Máccô (8:27-30) và Thánh Luca (9:18-21) thuật lại. Trong Tin Mừng Thánh Máccô, trích đoạn này về việc Thánh Phêrô tuyên xưng Chúa Giêsu là Đức Kitô, Con Thiên Chúa Hằng Sống, cùng với 8:31-913, tạo thành phần quan trọng nhất. Về phần mình, Thánh Mátthêu thêm vào [trình thuật của Thánh Máccô] câu 16b-19 nhằm mục đích thêm vào khía cạnh “giáo hội học” trong lời tuyên xưng của Thánh Phêrô. Cấu trúc của bài Tin Mừng như sau: (1) Thánh Phêrô tuyên xưng đức tin vào Chúa Giêsu; (2) lời đáp trả của Chúa Giêsu trước lời tuyên xưng của Thánh Phêrô; (3) Chúa Giêsu tiên đoán cuộc thương khó của mình và sự vấp phạm của Thánh Phêrô. Cấu trúc này cho thấy lối viết “bánh mì kẹp” quen thuộc: bắt đầu và kết thúc với Thánh Phêrô [được khen và bị quở trách]. Chúng ta thấy ở đây hành trình đức tin của Thánh Phêrô cũng giống hành trình đức tin của mỗi người chúng ta: có lúc mạnh mẽ, nhưng cũng không thiếu những lần yếu đuối khi gặp thử thách.
Trong phần tuyên xưng đức tin của Thánh Phêrô, chúng ta cần lưu ý rằng Thánh Mátthêu thêm vào những chi tiết sau so với Tin Mừng Thánh Máccô: (1) Trong Tin Mừng Thánh Máccô, Chúa Giêsu sử dụng từ “Thầy” khi hỏi các môn đệ [“Người ta nói Thầy là ai?”]. Thánh Mátthêu dùng “Con Người” [“Người ta nói Con Người là ai?”] nhằm nhấn mạnh đến khía cạnh con người của hình ảnh Con Người trong sách Đanien (7:13). (2) Thánh Mátthêu nói đến tên Ngôn sứ Giêrêmia trong trình thuật của mình vì đây là vị ngôn sứ cảm nghiệm cách cá vị việc bị loại trừ và những đau khổ như lời tiên báo về sự bị loại trừ và đau khổ Chúa Giêsu sẽ chịu. (3) Thánh Mátthêu thêm vào lời tuyên xưng của Thánh Phêrô câu: “Con Thiên Chúa Hằng Sống” nhằm nói đến việc Chúa Giêsu luôn ý thức về phận làm con của mình [với Chúa Cha] (x. Mt 11:27). Khi thêm vào những lời này, Thánh Mátthêu sử dụng mối tương quan Cha-Con để đưa thính giả ra khỏi tư tưởng mang tính chính trị về Đấng Cứu Thế. Qua những chi tiết này, Thánh Mátthêu mời gọi chúng ta luôn phải có một hình ảnh đúng về Chúa Giêsu: Ngài là Thiên Chúa thật và là người thật. Điều này nói lên mối tương quan Cha-Con mà Ngài có với Thiên Chúa của Israel. Nói cách khác, mối tương quan không thể tách rời giữa Ngài với Chúa Cha quyết định tất cả những thứ khác. Điều này mời gọi chúng ta duyệt xét lại mối tương quan của mình với Thiên Chúa: có phải mối tương quan với Thiên Chúa là điều quyết định tất cả mọi sự trong cuộc sống của chúng ta không?
Lời đáp trả của Chúa Giêsu trước lời tuyên xưng của Thánh Phêrô được Thánh Mátthêu trình bày khác với Thánh Máccô. Trong Tin Mừng Thánh Máccô, chúng ta không tìm thấy lời đáp trả mang tính hài lòng như trong Tin Mừng Thánh Mátthêu. Điều chúng ta tìm thấy là mệnh lệnh giữ im lặng. Thánh Mátthêu cung cấp cho chúng ta những lời cho thấy sự hài lòng của Chúa Giêsu: “Đức Giêsu nói với ông: ‘Này anh Simôn con ông Giôna, anh thật là người có phúc, vì không phải phàm nhân mặc khải cho anh điều ấy, nhưng là Cha của Thầy, Đấng ngự trên trời’” (Mt 16:17). Dù hài lòng, nhưng Chúa Giêsu lưu ý Thánh Phêrô rằng Ngài hài lòng về câu trả lời không phải do nỗ lực phàm nhân của Phêrô, nhưng do mạc khải của Chúa Cha. Chi tiết này cũng nhắc nhở chúng ta rằng, chúng ta chỉ sống đẹp lòng Chúa khi chúng ta không dựa vào sức mình, nhưng dựa vào sự trợ giúp của Chúa.
Điểm thứ hai trong những lời đáp trả của Chúa Giêsu mà chúng ta cần lưu ý là việc Chúa Giêsu đổi tên Simon thành Phêrô: Còn Thầy, Thầy bảo cho anh biết: anh là Phêrô, nghĩa là Tảng Đá, trên tảng đá này, Thầy sẽ xây Hội Thánh của Thầy, và quyền lực tử thần sẽ không thắng nổi. Thầy sẽ trao cho anh chìa khoá Nước Trời: dưới đất, anh ràng buộc điều gì, trên trời cũng sẽ ràng buộc như vậy; dưới đất, anh tháo cởi điều gì, trên trời cũng sẽ tháo cởi như vậy” (Mt 16:18-19). Theo truyền thống Kinh Thánh, việc đổi tên luôn đi kèm theo một sứ mệnh mới. Thánh Phêrô đón nhận sứ mệnh mới là trở thành “Tảng Đá” để trên đó Chúa Giêsu xây Hội Thánh của Ngài. Từ “Hội Thánh” chỉ xuất hiện ở đây [và trong 18:17]. Từ này ám chỉ đến việc tụ họp dân Chúa. Để hoàn thành sứ mạng của mình, Chúa Giêsu trao cho Thánh Phêrô chìa khoá Nước Trời. Khi sử dụng chữ Nước Trời ở đây, Thánh Mátthêu thiết lập mối liên hệ giữa Hội Thánh và Nước Trời. Nói cách khác, Hội Thánh là “sự xếp đặt mang tính trung gian” để mang ơn cứu độ cho con người giữa thời gian sứ vụ trên trần thế của Chúa Giêsu và việc Nước Trời sẽ đến trong tương lai. Nhìn từ khía cạnh thần học, quyền lực đi theo chìa khoá Nước Trời trao cho Thánh Phêrô là quyền lực mang tính “thụ động.” Điều này có nghĩa là Thiên Chúa sẽ ràng buộc và tháo cởi những gì Thánh Phêrô ràng buộc và tháo cởi. Thánh Phêrô được ban cho một quyền lực rất lớn. Tuy nhiên, bản chất của quyền này là gì? “Ràng buộc” và “tháo cởi” là những thuật ngữ trong truyền thống Do Thái ám chỉ việc ràng buộc thần dữ [ma quỷ] trong khi trừ quỷ. Chúng cũng ám chỉ đến hành động mang tính pháp lý để ra vạ tuyệt thông hoặc đưa ra những quyết định quan trọng cần tuân theo. Chi tiết này cho thấy, Chúa Giêsu đã mang hai truyền thống [Cựu Ước – Do Thái và Tân Ước – Kitô Giáo] lại với nhau. Tóm lại, trong Chúa Giêsu, mọi sự tìm thấy sự hoàn thiện của nó. Chỉ trong Chúa Giêsu, chúng ta tìm thấy sự hoàn thiện cho những gì chúng ta đã trải qua, đang trải qua và sẽ trải qua.
Sau khi trao cho Thánh Phêrô chìa khoá Nước Trời, Chúa Giêsu tiên báo lần đầu tiên về cuộc thương khó của Ngài: “Người phải đi Giêrusalem, phải chịu nhiều đau khổ do các kỳ mục, các thượng tế và kinh sư gây ra, rồi bị giết chết, và ngày thứ ba sẽ trỗi dậy” (Mt 16:21). Nghe những lời này, Thánh Phêrô không thể chấp nhận. Đấng Kitô mà Thánh Phêrô tuyên xưng không thể chịu đau khổ và bị giết chết. Thánh Phêrô chỉ muốn thần học ân sủng và vinh quang để tách Chúa Giêsu khỏi thập giá của Ngài. Nhưng Chúa Giêsu nhắc nhở Thánh Phêrô về vị trí và giới hạn của mình dù Ngài đã ban cho ông chìa khoá Nước Trời: “Xatan, lui lại đàng sau Thầy! Anh cản lối Thầy, vì tư tưởng của anh không phải là tư tưởng của Thiên Chúa, mà là của loài người” (Mt 16:23). Vị trí của Thánh Phêrô là đi theo Chúa Giêsu. Chi tiết này nhắc nhở chúng ta về thực tại của tương quan chúng ta với Chúa. Nhiều lúc thay vì đi theo Chúa, chúng ta dẫn Chúa đi đến nơi chúng ta muốn và làm những điều mang lại vinh quang cho mình hơn là cho Chúa. Chúng ta trở nên “kẻ thù” [xatan] của Chúa khi chúng ta cản lối Chúa, bằng cách đặt tư tưởng và chính mình lên trên tư tưởng và chính Thiên Chúa.
Lm. Antôn Nguyễn Ngọc Dũng, SDB